Tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 06/12/2023 09:54:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231206095709DT2-1.mp3

 

Kỳ 2: Những kết quả nổi bật qua gần 40 năm đổi mới

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, với sự nỗ lực, chung sức chung lòng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, từ một tỉnh thuần nông và còn nhiều khó khăn, Đồng Tháp đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng quê hương.

Kỳ 1: Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa


Nhiều công trình giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh

VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

Từ năm 1986 đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh phát triển và không ngừng lớn mạnh, đứng hàng khá khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình giao thông quan trọng, thiết yếu hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện.

Quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được bảo đảm. Khắc phục được các yếu kém với sự xuất hiện nhiều hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp (DN) phát triển đa dạng. Việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DN nhà nước được đẩy mạnh; kinh tế tập thể từng bước đổi mới, chủ động trong hợp tác, liên kết đầu tư và phát triển, tham gia chuỗi giá trị ngành hàng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò đóng góp trong tăng trưởng kinh tế với đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh.

Năm 2011, có 1.858 DN, đến cuối năm 2023, ước có 5.250 DN (tăng 2,8 lần so với năm 2011). Giai đoạn 2011 - 2023, ước có 6.691 DN thành lập mới, tổng vốn hơn 35.600 tỷ đồng (tăng 2,2 lần số DN và 3,4 lần vốn so với giai đoạn 1998 - 2010). Đóng góp của DN vào GRDP giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 29,5% (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 25,38%, 2016 - 2020 đạt 30,56%). Số DN hoạt động không hiệu quả rời khỏi thị trường giai đoạn 2011 - 2023 là 4.763 DN, chiếm 71% DN thành lập mới.

Hoạt động của các thị trường càng sôi động, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý không can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế. Chủ trương đổi mới từ Trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả rõ nét, nhất là từ năm 1990 trở đi, hoạt động phân phối lưu thông của tỉnh theo cơ chế thị trường, đánh dấu mốc quan trọng trong phân phối lưu thông hàng hóa, tạo tiền đề tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ qua các giai đoạn, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Thị trường lao động được mở rộng, dịch chuyển lao động liên tục từ giới thiệu, cung ứng việc làm trong tỉnh, trong nước đến mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.

Phát huy thế mạnh và tiềm năng trong nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đã mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, nhiều thành tựu trong khai phá Đồng Tháp Mười đã khắc phục các hạn chế trước đổi mới; sản xuất lúa tăng lên 3 vụ, sản lượng lúa đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Từ xuất phát điểm thấp, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên hàng khá trong khu vực ĐBSCL, giảm dần khoảng cách với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Giai đoạn 2011 - 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 5,66% (giai đoạn 1998 - 2010 đạt 10,5%). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 115 triệu đồng/lao động, tăng 2,6 lần so với năm 2011 nhưng thấp hơn cả nước (181 triệu đồng/lao động). Giai đoạn 2011 - 2015, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 36,1%, tăng trưởng GRDP (cả nước 34,1%); giai đoạn 2016 - 2020 đóng góp 47,2% (cả nước 44,4%); giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 54,6%.

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, năm 2023 ước đạt 110.893 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2011 (đứng thứ 6 các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 69,31 triệu đồng, tăng 5,2 lần so với năm 2010 (đứng thứ 2 các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL); thu ngân sách nhà nước tăng từ 0,34 tỷ đồng năm 1985 lên khoảng 8.151 tỷ đồng năm 2023.

Các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm cuộc sống người dân; hệ thống an sinh xã hội, y tế đa dạng, đa tầng từng bước được mở rộng và thống nhất, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân hưởng thụ từ thành quả phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.

Hệ thống chính trị được tập trung tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cán bộ nâng lên cả về lý luận và trình độ chuyên môn; chuyển từ chính quyền quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính sang chính quyền phục vụ; PCI của tỉnh luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước tăng lên; việc phát huy dân chủ cơ sở có sự chuyển biến tích cực.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đổi mới nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra chậm và kéo dài, nhất là nhận thức về nguyên tắc vận hành; chưa huy động được tối đa các thành phần kinh tế đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Công tác thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại các địa phương còn nhiều cách hiểu khác nhau nên việc triển khai, cụ thể hóa chưa đầy đủ, đồng bộ.

Dư địa động lực tăng trưởng phát huy chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tốc độ tăng trưởng từ năm 2012 đến nay chậm lại. Cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng còn cao. Việc hình thành, phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn đang gặp nhiều khó khăn, một số chính sách chưa tạo động lực khuyến khích phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thị trường lao động tuy có phát triển nhưng còn mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ; nhân lực chất lượng cao một số ngành của tỉnh đang thiếu.

Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, do nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế dẫn đến thiếu tính kết nối giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh, thành lân cận.

Khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên sản phẩm tạo ra chưa đồng đều và chưa đạt chất lượng. Tình trạng được mùa mất giá vẫn còn diễn ra; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao nên lợi nhuận của người sản xuất giảm.

Ngành công nghiệp tuy phát triển nhưng cơ cấu kinh tế chuyển biến rất chậm. Sản phẩm công nghiệp chủ lực ít và các lĩnh vực sản xuất quan trọng như: sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... kém phát triển.


Khách du lịch tham quan trải nghiệm tại Cánh đồng hoa hồng (TP Sa Đéc)

KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN

Những thành tựu đạt được bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã vận dụng đầy đủ, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn địa phương; các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, đã huy động sức mạnh cộng đồng, khơi dậy các nguồn lực trong và ngoài tỉnh; phát huy tinh thần tự chủ và linh hoạt trong lãnh đạo, quản lý.

Luôn quan tâm củng cố sự đoàn kết trong Đảng bộ và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Phát triển kinh tế hài hòa với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự; lấy con người là trung tâm phát triển và chia sẻ thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, liêm chính, hành động là nền tảng; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ; thu hút cán bộ giỏi. Làm đúng chức năng nhiệm vụ, giảm bớt cơ quan quản lý hành chính về kinh tế nhúng tay vào công việc cụ thể của các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Phú Trọng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn