HUYỆN LẤP VÒ

Triển khai thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra trong năm 2022

Cập nhật ngày: 08/11/2022 16:52:44

ĐTO - Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy thành lập 3 Tổ giúp việc tiến hành rà soát, cập nhật các kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện triển khai cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XI; thẩm định chặt chẽ nội dung các kế hoạch của các đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, bảo đảm tính khả thi và sát thực tế của đơn vị, địa phương.


Người dân xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò chuyển diện tích sản xuất lúa cho năng suất thấp sang trồng hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nổi bật, Huyện ủy Lấp Vò đã lãnh đạo thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo triển khai, quán triệt và thực hiện Chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, qua đó toàn huyện có 5.190 đảng viên và 534 cán bộ tham gia học tập và xây dựng bản đăng ký làm theo gương Bác.

BTV Huyện ủy Lấp Vò lãnh đạo tổ chức Hội nghị đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên BTV Huyện ủy gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cán bộ, đảng viên và Nhân dân lần thứ nhất và lần thứ hai năm 2022. Qua đó, kịp thời lắng nghe và định hướng giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý chính đáng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hoàn thành việc quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 (rà soát, bổ sung năm 2022), nhiệm kỳ 2025 - 2030 (quy hoạch lần đầu) và trình BTV Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt. Tính đến ngày 30/9/2022, huyện Lấp Vò đã kết nạp được 191 đảng viên (đạt 75,2% so kế hoạch đề ra); xóa tên và cho ra khỏi Đảng 6 đồng chí (giảm 23 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021); hoàn thành việc tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận, nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất lúa trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng đạt 25.426 tấn, diện tích lúa chất lượng cao tăng 22% so với năm 2021; diện tích liên kết tiêu thụ lúa năm 2022 ước đạt 4.250ha (đạt chỉ tiêu tỉnh giao). Riêng diện tích trồng hoa màu được duy trì và mở rộng, đã xuống giống trên 4.000ha, trong đó vùng màu ven sông Tiền tiếp tục trồng các loại hoa màu chủ lực như: khoai môn, bắp, bắp non, ớt, khổ qua... góp phần tăng hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa trước đây. Đặc biệt, các mô hình sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ được duy trì và nhân rộng.

Hiện nay, BTV Huyện ủy Lấp Vò giao Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 và cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ minh chứng theo quy định. Hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, cá thể trên địa bàn huyện được phục hồi và tăng trưởng mạnh. Đầu năm 2022 đến nay, huyện Lấp Vò có gần 50 công ty, doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 20 doanh nghiệp so với cùng kỳ), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 355 doanh nghiệp hoạt động với hơn 7.300 lao động. Địa phương triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt trong trao đổi mua bán tại chợ Lấp Vò; đăng ký thực hiện chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 đối với chợ Vàm Cống (xã Bình Thành) và chợ Cai Châu (xã Tân Mỹ).

Toàn huyện có 12 làng nghề được công nhận và đang hoạt động ổn định (đều thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp) gồm: 8 làng nghề dệt chiếu, 1 làng nghề đan bội, 1 làng nghề làm chổi lông gà, 1 làng nghề đan lưới và 1 làng nghề đan đát. Ngoài ra, các xã của huyện còn duy trì và phát triển một số nghề như: trồng hoa kiểng, sửa chữa xuồng ghe, làm thớt, đan ghế nhựa, vót đũa tre thu hút nhiều lao động tham gia. Song song đó, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện được phục hồi và phát triển, từ đầu năm đến nay, các khu, điểm di tích, làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng đón gần 100.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A) đón khoảng 90.000 khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 5,5 tỷ đồng (lượng khách và doanh thu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021).

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn