Tư duy nhiệm kỳ - đúng hay sai
Cập nhật ngày: 15/04/2024 13:47:24
ĐTO - Trong thời gian qua và mỗi khi bước vào mùa đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội mà nhất là Đại hội Đảng các cấp, dư luận lại bàn luận về tư duy nhiệm kỳ. Trong số đó, nhiều ý kiến thiên về phê phán, chê trách với việc dùng khái niệm “tư duy nhiệm kỳ”. Điều ấy không sai. Nhưng để thật sự khách quan và nhận định đúng mực, chúng ta cần hiểu về nhiệm kỳ và tư duy nhiệm kỳ cũng như sự lên án ấy ở những điểm nào là hợp lý nhất.
Có thể hiểu, nhiệm kỳ là thời gian có tính chất chu kỳ, trong đó người được bầu cử thực hiện một nhiệm vụ vì lợi ích chung. Tùy theo đặc điểm chính trị - xã hội từng quốc gia mà tổ chức chính trị có thời gian nhiệm kỳ là 4 năm, 5 năm 6 năm hay vĩnh viễn (một vài nhân vật là lãnh tụ suốt đời). Ở Việt Nam, hầu hết các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có nhiệm kỳ 5 năm. Cụm từ “Tư duy nhiệm kỳ” đã được các nhà chính trị, các học giả nhắc tới trong các diễn đàn chính trị, kinh tế - xã hội. “Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là lối suy nghĩ, hành động bất chấp quy luật, hoàn cảnh thực tế của tổ chức trong nhiệm kỳ thực hiện chức trách nhằm chủ yếu đeo đuổi mục tiêu, lợi ích trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cho bản thân, “nhóm lợi ích” mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn vì lợi ích chung của tổ chức; do trình độ hạn chế, thiếu thông tin, không nắm chắc tình hình dẫn đến nhận thức không đúng, không đầy đủ nên đề ra và thực hiện nghị quyết không hiệu quả, thậm chí còn gây ra hệ lụy khó lường về sau.
Nhiệm kỳ là khoảng thời gian do tổ chức quy định và như vậy, nó khách quan. Theo đó, tư duy về nhiệm kỳ là cần thiết. Những người lãnh đạo phải nắm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ để lập kế hoạch với những mốc thời gian và các giải pháp cụ thể cùng với sự chỉ đạo sát sao để thực hiện nó. Chẳng hạn như Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước đang phát triển, thu nhập cao” đi kèm một số chỉ tiêu lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trên cơ sở mục tiêu và chỉ tiêu, người lãnh đạo phải tính toán các nguồn lực có thể có để tập trung vào những vấn đề trọng yếu mà nó tạo đà hay làm cơ sở cho những mục tiêu, chỉ tiêu khác. Thành viên trong tổ chức và người dân sẽ ngợi ca nếu người lãnh đạo tạo nên dấu ấn của nhiệm kỳ với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay có được những công trình để đời. Phần lớn người dân đều nhớ đến Đường dây 500kV Bắc - Nam gắn với tên tuổi của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Nhưng như đề cập bên trên, một số ý kiến nói đến “tư duy nhiệm kỳ” với hàm ý phê phán, chê trách và cả lên án nữa bởi nó thuộc một số “dạng” được ghi nhận dưới đây:
- Sự thiển cận
Thiển cận ám chỉ cách nghĩ, cách nhìn nông cạn, hời hợt, thấy cái gần, cái trước mắt. Do tầm nhìn hạn hẹp, thiếu toàn diện, “thấy cây không thấy rừng”, “biết một mà không biết mười” và ít cập nhật thông tin, người lãnh đạo lựa chọn phương án đã lạc hậu và quyết định đầu tư vào một hoặc vài lĩnh vực được cho là “mũi nhọn”, “đột phá” nhưng hóa ra là “tàn phá”. Một số dự án “đắp chiếu”, dự án “nghìn tỷ” bị phá sản... minh chứng về điều đáng trách này. Thật ra, phần lớn trường hợp “thiển cận” nằm ở khâu tổ chức thực hiện bởi sự chỉ đạo của một vài cá nhân lãnh đạo. Sự lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu chung thuộc về tập thể vì nguyên tắc căn bản trong hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam là tập trung dân chủ.
- Sự hám danh
Vì muốn nổi danh, muốn chứng minh năng lực “vượt trội” của mình với tham vọng trèo cao, người lãnh đạo đề ra mục tiêu và chỉ đạo thực hiện bất chấp quy luật khách quan và thực tế hiện tồn. Họ nôn nóng đốc thúc công việc với các “chiến dịch thần tốc” như trong chiến tranh, huy động các nguồn lực tập trung vào sự “hão huyền”, “quá với” ấy để cuối cùng nhận lấy “thất bại thảm hại” và quay lại đổ lỗi cho “thiên tai” hay do cấp dưới thiếu nhiệt tình và kém năng lực. Họ không hiểu rằng để “Đổi đời” là một quá trình chứ phải đâu “chỉ sau một đêm”; chi phí bằng mọi giá bất chấp xu hướng chung của thế giới đương đại là sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững là sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.
- “Chợ chiều”:
Ở một góc khác, “tư duy nhiệm kỳ” biểu hiện ở “ngơi việc”, “xả hơi”. Họ làm việc cầm chừng, kiểu “sáng vác ô đi, tối vác về”. Trong thảo luận, họ không xác quyết về các mục tiêu, chỉ tiêu bởi xem đó là việc của “ngày mai” và “không phải việc của tôi”. Về mặt điều hành công việc và xử lý các quan hệ trong nội bộ và ngoài đơn vị, họ hành xử “thận trọng” tuân theo các quy định mà thực chất là sợ trách nhiệm, sợ sai phạm, vin cớ “không việc gì phải vội” rồi làm việc qua loa, đại khái, “được chăng hay chớ” và ngại va chạm, không “lên tiếng” với “những điều trái tai gai mắt” như đã từng phê bình gay gắt trước đây.
- “Chuyến xe cuối cùng”
“Tư duy nhiệm kỳ” bị lên án nhiều nhất chính bởi động cơ vụ lợi. Với tư duy này, họ tìm cách “vơ vét” các lợi ích của đơn vị về cho mình. Ngoài ra, họ còn “cài cắm” lực lượng (con cái, thân nhân, “đàn em”) vào các vị trí để có thể “hạ cánh an toàn”. Báo chí đã không ít lần cung cấp thông tin về chứng cứ thủ trưởng đơn vị đây đó bổ nhiệm hàng loạt cán bộ vào khoảng thời gian ngắn ngay trước khi rời nhiệm sở.
Bản thân khái niệm nhiệm kỳ và tư duy nhiệm kỳ là khách quan, cần thiết và đáng trân quý. “Tư duy nhiệm kỳ” với dấu ngoặc kép (“...”) mới là điều đáng trách. “Tư duy nhiệm kỳ” và “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi” như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra đã gây hại rất lớn cho tổ chức và cộng đồng. Mỗi nhiệm kỳ với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thời hạn 5 năm được tổ chức thực hiện đầy đủ theo một kế hoạch khoa học sẽ là “viên gạch” lát nền vững chắc trên con đường tiến dần tới mục tiêu đã được Đảng và Nhân dân ta lựa chọn: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
DÂN BIỆN