Xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh
Cập nhật ngày: 10/06/2013 05:11:40
Phát triển kinh tế là một trong những quan điểm mang tính chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh.
Đầu tư xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức khá và ổn định; phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 12% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo đó, tỉnh tập trung phát huy nội lực, tranh thủ nguồn vốn để phát triển kinh tế một cách toàn diện, chủ động mở rộng hệ thống giao thông huyết mạch Quốc lộ, tỉnh lộ; nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhằm phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất. Từ năm 2008 - 2012, nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã đầu tư trên 1.523 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng 114,3km đường giao thông bộ, xây dựng 71 cây cầu, nạo vét nâng cấp các kênh phục vụ nhu cầu sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.
Trên lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh có 39 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.966ha, thu hút được 115 dự án, với tổng số vốn đầu tư 27,86 triệu USD và 6.914 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho 16.000 lao động tập trung chủ yếu vào các ngành may mặc, lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới Bưu chính, Viễn thông từng bước được đầu tư, nâng cấp, phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ rộng khắp các địa bàn, góp phần đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hệ thống thông tin liên lạc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang phát triển TP.Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự, thị xã Sa Đéc trở thành 3 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm để tranh thủ hội nhập với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long; thu hút kêu gọi đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng kinh tế biên giới, trong đó phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là các địa bàn trọng yếu, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông liên vùng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Dương Út