Cần xử lý nghiêm tin giả, tin sai sự thật trên mạng về dịch bệnh Covid-19
Cập nhật ngày: 30/07/2021 18:40:41
ĐTO - Thực hiện Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng. Nội dung nêu rõ, thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng ở các tỉnh thành miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Ảnh minh họa
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội… Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Từ tình hình trên, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện một số việc. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, địa phương; khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật kịp thời phản ánh, thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng, chống dịch thực hiện nghiêm và đúng quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mức với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với các địa phương, ngoài việc thực hiện các nội dung trên, các cơ quan chức năng cần kịp thời phối hợp xác minh, xử lý các hành vi vi phạm về tin giả, tin sai sự thật trên mạng theo thẩm quyền quy định của pháp luật. Thường xuyên thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về tin giả, tin sai sự thật trên mạng; vận động Nhân dân không tham gia bình luận, chia sẻ và phản ánh cho chính quyền địa phương khi phát hiện những nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí truyền thông phối hợp với cơ quan y tế và cơ quan có thẩm quyền tăng cường thông tin tình hình, diễn biến dịch, các biện pháp phòng, chống và việc xử lý hành vi vi phạm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phản bác tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đ.D