Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn
Cập nhật ngày: 30/09/2022 06:04:07
ĐTO - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội) vừa tổ chức hội thảo tư vấn “Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - Thực trạng và giải pháp”. Ban Tổ chức hội thảo đã tổng hợp nhiều nội dung có giá trị để báo cáo, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo tỉnh và Liên hiệp hội Việt Nam về những chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS trong NN&PTNT được diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự ra đời, phát triển của công nghệ số, kỹ thuật số tạo ra những thay đổi to lớn về phương thức hoạt động, phương thức sản xuất, kinh doanh của tất cả ngành, lĩnh vực kinh tế, công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Theo đó, chuyển tất cả ngành, lĩnh vực kinh tế này lên một trình độ phát triển mới trên nền tảng công nghệ mới, hình thành và phát triển nền kinh tế số, điều này tạo ra những thuận lợi cơ bản cho tỉnh Đồng Tháp thực hiện CĐS trong NN&PTNT.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, đáng chú ý là Kế hoạch số 152 ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025”; “Đề án CĐS ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 773, ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp. Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử...
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất NN&PTNT vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Với nông dân và người dân nông thôn, hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống; trình độ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ cũng là một trong những khó khăn trong quá trình thúc đẩy CĐS. Nhiều người còn tâm lý ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới (ứng dụng công nghệ số); vẫn chưa có mô hình mẫu, hay định hướng CĐS cho từng lĩnh vực, nông, lâm, thủy sản; chính sách CĐS chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất thiếu và chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ số. Các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào CĐS chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.
Ban Tổ chức hội thảo ghi nhận nhiều tham luận, ý kiến tư vấn thiết thực của đại diện các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức hội đặc thù, nhất là các kinh nghiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ý kiến phản ánh nhiều góc nhìn về thực trạng và kết quả thực hiện CĐS trong NN&PTNT. Đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp trong thời gian tới qua các nhóm giải pháp về kiến tạo thể chế, về nhận thức, về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, về nhân lực...
Thành Nam