Nhiều kết quả nổi bật từ các mô hình điểm của Đề án 06
Cập nhật ngày: 08/02/2025 05:36:47
![http://baodongthap.com.vn/database/video/20250208053926dt2-4.mp3](http://baodongthap.com.vn/database/video/imagesv.jpg)
ĐTO - Thời gian qua, Công an tỉnh triển khai các mô hình điểm của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 06) bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
![](/database/image/2025/02/08/dt2-4a.jpg)
Công an TP Sa Đéc tiếp nhận hồ sơ làm căn cước công dân có gắn chíp cho người dân trên địa bàn (Ảnh: CTV)
Thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, với vai trò thường trực của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh trao đổi, thảo luận và thống nhất tham mưu Tổ công tác Đề án 06 tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện 40 mô hình điểm của Đề án 06 trên địa bàn. Trong đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì triển khai 13/40 mô hình và 12 sở, ngành tỉnh chủ trì triển khai 27/40 mô hình theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồng thời, Công an tỉnh tham mưu Tổ công tác Đề án 06 tỉnh ban hành 2 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và 2 văn bản kiến nghị Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số mô hình điểm.
Căn cứ nội dung, yêu cầu kế hoạch đề ra, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện 36 mô hình (chưa triển khai thực hiện 4 mô hình do cần có sự hướng dẫn của Trung ương). Qua hơn 1 năm thực hiện, các đơn vị, địa phương đã có báo cáo kết quả về Tổ công tác Đề án 06 tỉnh. Qua tổng hợp báo cáo đề xuất của các sở, ngành có 29 mô hình khả thi và đề xuất tiếp tục thực hiện, các mô hình còn lại chỉ thực hiện được bước 1 hoặc bước 2 và các bước còn lại cần có hướng dẫn của Trung ương để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu của các ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư mới triển khai thực hiện được.
Đối với các mô hình đã triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là các mô hình liên quan đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID (công dân có thể thực hiện thông báo lưu trú, đăng ký, cấp biển số xe lần đầu, xác nhận thủ tục hành chính và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID). Bên cạnh đó, thực hiện tố giác tội phạm trên ứng dụng VNeID đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; mô hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; các mô hình đẩy mạnh phát triển công dân số và số hóa tạo lập dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
![](/database/image/2025/02/08/dt2-4b.jpg)
Người dân huyện Tháp Mười sử dụng phần mềm quản lý lưu trú (Ảnh: Thanh Thảo)
Nổi bật là mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú (ASM) tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách trên địa bàn do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp UBND huyện Tháp Mười triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Hiện tại, toàn huyện Tháp Mười triển khai được 101 cơ sở lưu trú với hơn 7.800 lượt khách đăng ký lưu trú trên phần mềm. Việc triển khai thực hiện mô hình giúp các cơ sở cho thuê lưu trú quản lý khách và thông báo lưu trú cho khách, không cần phải thông báo trực tiếp hoặc thông báo qua điện thoại, hệ thống sẽ tự động chuyển đến Cổng dịch vụ công, đồng bộ với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và chuyển đến Công an cấp xã nơi có cơ sở lưu trú thực hiện việc tiếp nhận theo quy định.
Ngoài ra, mô hình phát triển công dân số do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện thí điểm tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Việc triển khai thực hiện mô hình nhằm cung cấp những giá trị, tiện ích của ứng dụng VNeID, CCCD gắn chíp, hỗ trợ cấp tài khoản ngân hàng, cấp chữ ký số... đảm bảo các điều kiện cho công dân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đến nay, UBND huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động người dân cấp CCCD; thu nhận tài khoản định danh điện tử và kích hoạt được 8.441 trường hợp (đạt 100% so với số đủ điều kiện); hướng dẫn cơ sở kinh doanh trên địa bàn mở tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được 188/188 hộ kinh doanh (đạt 100%), vận động mở tài khoản cho 2.178/2.612 hộ gia đình (đạt 83,4%); hướng dẫn cài đặt, kích hoạt chữ ký số được 1.885/4.906 chữ ký (đạt 38,41%).
Việc triển khai, thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án 06, đưa các tiện ích từ ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính và phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các sở, ngành trong quá trình thực hiện các mô hình, Công an tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh nắm và chỉ đạo, trong đó đề xuất tập trung triển khai, thực hiện một số mô hình có hiệu quả, tính khả thi cao, những mô hình chưa thiết thực hoặc chưa có hướng dẫn tạm thời chưa triển khai, sau khi có hướng dẫn sẽ tiếp tục thực hiện.
DŨNG CHINH