Phát triển công nghệ sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 13/06/2017 11:03:36

Sau hơn 10 năm thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt kết quả tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và mọi mặt của đời sống xã hội. Để tiếp tục thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.


Trà lá sen Đồng Tháp thơm ngon nhờ công nghệ sấy lạnh. Ảnh: T.A

Với mục đích nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNSH; từng bước đưa phát triển CNSH thành nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội và là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất quán trong tuyên truyền nhằm tạo sự lan tỏa trong Đảng bộ và nhân dân.

Theo đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, xem đây là nột trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và ngành, nhất là các ngành có liên quan trực tiếp như: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Tài nguyên và Môi trường,... Rà soát, bổ sung những chính sách phù hợp đặc thù của địa phương để khuyến khích phát triển công nghệ, CNSH, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mở về CNSH, sử dụng sản phẩm CNSH tiên tiến, ưu tiên các dự án nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm về CNSH tại tỉnh.

Ứng dụng rộng rãi CNSH phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng có hiệu quả các quy trình công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, trồng trọt, quản lý rừng, khai thác, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị và phòng bệnh. Chú trọng ứng dụng và chuyển giao các giải pháp, chế phẩm CNSH trong xử lý ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH; phát huy vai trò của Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy mọi hoạt động ứng dụng CNSH trong tỉnh. Xác định các tiêu chí, lộ trình phát triển CNSH từ nay đến năm 2030. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh. Xây dựng nguồn nhân lực CNSH đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, gắn với nhu cầu thực tiễn của sản xuất đời sống, nhất là nhân lực trình độ cao về CNSH.

Tăng cường hợp tác trong công tác nghiên cứu, ứng dụng về CNSH. Chủ động xây dựng các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, hợp tác với các viện, trường, trung tâm, các ngành, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực. Đẩy mạnh công tác chuyển giao, tiếp nhận và làm chủ công nghệ để triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thành tựu khoa học mới về CNSH trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Việc đầu tư phát triển CNSH là một nhiệm vụ cần được ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các ngành, địa phương; là khâu đột phá để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp phát triển lên một tầm cao hơn.

H.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn