Tăng cường phát triển khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 18/05/2019 05:20:15
ĐTO - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa XI, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh đến nay, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Xác định trọng tâm là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tập trung vào công tác nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình sản xuất phục vụ các đề án trọng tâm của tỉnh, nhất là Đề án tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) của tỉnh.
Họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh
Từ năm 2016 - 2018, Sở KH&CN đã triển khai ký hợp đồng triển khai thực hiện 16 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 9 nhiệm vụ, chiếm 56% trong tổng số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các lĩnh vực còn lại là 44%, tổ chức nghiệm thu 15 nhiệm vụ KH&CN. Các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu đều được ghi nhận và chuyển giao đến tổ chức, cá nhân liên quan triển khai ứng dụng.
Một số nghiên cứu phục vụ TCCNN nổi bật trong giai đoạn này như đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp”, đề tài đã xây dựng thành công mô hình ớt với 20,56ha đạt chứng nhận VietGAP, xây dựng được 1 quy trình sản xuất ớt an toàn. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong sản xuất ớt, cũng như thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống của người dân. Đối với đề tài “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất chanh đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Cao Lãnh và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp”, đã xây dựng thành công mô hình chanh đạt chứng nhận VietGAP với diện tích là 47,66ha (tại huyện Châu Thành là 27,3ha và huyện Cao Lãnh là 20,36ha, với tổng số 41 hộ), sản lượng 1.750 tấn/năm. Hiện nay, có thêm khoảng 30ha trồng chanh đang được Trung tâm Khuyến nông huyện Cao Lãnh hỗ trợ sản xuất theo hướng VietGAP. Sản phẩm chanh đạt chứng nhậnVietGAP được Công ty VinEco thu mua cao hơn giá thị trường là 2.000 đồng/kg. Kết quả mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong sản xuất chanh, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ký kết kế hoạch phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, hoạt động KH&CN hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được tăng cường như hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, HACCP, ASC, BRC,...), kiểm toán năng lượng, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp (bảo hộ nhãn hiệu), đăng ký mã số, mã vạch, hỗ trợ cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, bảo hộ nhãn hiệu đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, uy tín, chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất, các nhãn hiệu được hỗ trợ như: Khô Cá lóc Phú Thọ, Kiệu Phú Hiệp, Nem Lai Vung, Củ ấu Vĩnh Thạnh, Làng Hoa - Kiểng Sa Đéc, Tôm Càng xanh Nhị Mỹ, Gạo sạch Cao Lãnh, Hủ tiếu Sa Đéc, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho bột gạo ướt, bột gạo khô.
Tuy nhiên, kết quả trên còn nhiều hạn chế, khó khăn, một số chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN triển khai vào thực tế còn chậm như: phát triển công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp hoạt động KH&CN đã phần nào hạn chế hoạt động KH&CN; mức độ đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao, việc đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nguyên nhân một phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn quy mô vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn thấp, đồng thời mức hỗ trợ từ chính sách chưa đủ thu hút; các kết quả nghiên cứu KH&CN chưa thương mại hóa được nhiều, chưa hình thành thị trường KH&CN; xã hội hóa các hoạt động KH&CN chưa đạt kết quả mong muốn, nguồn kinh phí đối ứng ngoài ngân sách cho hoạt động KH&CN chưa nhiều.
Ông Huỳnh Minh Tuấn (đứng giữa) thăm mô hình sản xuất rau thủy canh của anh Nguyễn Phước Việt Cường, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh
Trước những đòi hỏi về phát triển hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển hoạt KH&CN theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN và Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đối với những nhiệm vụ KH&CN tiếp tục bám sát vào định hướng nghiên cứu khoa học đã được UBND tỉnh ban hành giai đoạn 2016-2020. Song song đó, tập trung mối liên kết giữa các nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để tranh thủ thực hiện các vấn đề đặt ra trong danh mục nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đến năm 2025 thuộc chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2025.
Kiểm tra thực tế sản phẩm đề tài cấp tỉnh “Thiết kế chế tạo máy xới gốc cho cây ăn quả”
Tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi và định mức hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, áp dụng công cụ cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín và thương hiệu. Đồng thời hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu nông sản chủ lực, đặc thù theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tiếp tục tăng cường tiềm lực KH&CN thông qua các dự án đầu tư đã được phê duyệt giai đoạn 2016-2020 và phân tích đánh giá kết quả đạt được để xây dựng đề án tăng cường tiềm lực trong giai đoạn 2021-2026. Phát triển tổ chức hoạt động KH&CN, nâng dần chất lượng hoạt động của các tổ chức nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao từ hoạt động KH&CN. Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh một cách bền vững, chú trọng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN, chú ý đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng theo tiêu chuẩn, điều kiện về yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với nguồn nhân lực trong quy hoạch.
Tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học để bổ sung tiềm lực KH&CN của tỉnh, đồng thời có chính sách thu hút có nhà khoa học đến làm việc và cộng tác với tỉnh.
Thực hiện việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin nhiệm vụ KH&CN theo Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ KH&CN về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN, từng bước hình thành nguồn dữ liệu nhiệm vụ KH&CN của tỉnh và quốc gia.
TS. Huỳnh Minh Tuấn
(Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)