Tin học hóa nông nghiệp - nhu cầu cần thiết

Cập nhật ngày: 16/08/2013 06:42:50

Để nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững trong thời kì kinh tế hội nhập, một trong những mục tiêu được Ban lãnh đạo tỉnh chú trọng là việc đầu tư nâng cao trình độ tiếp nhận khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy canh tác cho người nông dân. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ sản xuất nông nghiệp là một trong những bước tiến mới mà tỉnh đang đầu tư, xúc tiến và được đông đảo nông dân hưởng ứng tham gia.


Nông dân tiếp cận với tin học

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân, từ năm 2008 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở được 48 lớp tập huấn kiến thức tin học và truy cập Internet cho hơn 941 nông dân. Ngày 19/5/2009, Sở TT&TT đưa vào sử dụng trang Web “Bạn nhà nông” (banhanong.vn), bước đầu mang lại nhiều thông tin thiết thực, hiệu quả cho nông dân. Ông Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho biết: “Hiện tại, trung bình mỗi ngày trang web “bannhanong” thu hút trên 1.500 lượt truy cập. Phần đông nông dân quan tâm đặt câu hỏi xoay quanh các lĩnh vực phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, cách nhận biết và phòng tránh dịch hại trong chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Những vấn đề bà con nông dân thắc mắc đều được cán bộ nông nghiệp phụ trách cập nhật và trả lời trong thời gian nhanh nhất. Bước đầu, nhận thấy nhiều bà con nông dân đã quan tâm tìm hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất”.

Qua các phương tiện truyền thông, nông dân bắt đầu thấy được hiệu quả khi ứng dụng tin học vào nông nghiệp. Nhiều cá nhân đã tìm tòi và tự trang bị máy tính để phục vụ nông nghiệp. Chia sẻ về bí quyết thành công trong sản xuất của mình, ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1969) ấp An Lạc, xã Định An, huyện Lấp Vò bộc bạch: “Nhờ mạng internet mà bây giờ tôi có thể cập nhật thông tin liên tục về giá cả thị trường, tình hình xuất khẩu lúa gạo, dự báo thời tiết... để nắm bắt được lịch xuống giống thích hợp, tránh được sâu rầy và bán được giá. Nhiều giống lúa, mô hình mới sau khi cập nhật thông tin, tôi áp dụng thực hiện thành công trên ruộng của mình và ở địa phương. Hiện tại, nhiều nông dân ở những các tỉnh khác biết đến Trung tâm sản xuất lúa giống của chúng tôi thông qua mạng internet và đặt hàng với số lượng lớn. Nhờ tiếp cận với CNTT mà công việc sản xuất của tôi được thuận lợi rất nhiều, sản phẩm lúa giống của chúng tôi được quảng bá rộng hơn”.

Tuy nhiên, thực tế việc chuyển giao công nghệ xuống cho từng nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do phần lớn nông dân trong tỉnh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, mặt bằng tri thức còn hạn chế nên việc tiếp nhận các ứng dụng từ CNTT vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá mới mẽ đối với nhiều nông dân. Phần đông kinh tế nông dân vẫn còn nhiều khó khăn nên việc tự trang bị máy tính nghiên cứu sản xuất vẫn còn là một vấn đề nan giải, trăn trở đối với họ.

Hiện tại, Sở TT&TT đang triển khai đề án “Phát triển thông tin và truyền thông nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”. Theo đề án, Sở TT&TT dự kiến thực hiện mô hình “Tổ nông dân hội nhập”, trong đó tỉnh sẽ hỗ trợ 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, mỗi xã sẽ được nhận 3 máy tính có kết nối mạng internet và nông dân được truy cập thông tin miễn phí. Ước lượng tổng kinh phí khoảng 6,9 tỉ đồng. Tuy nhiên theo ông Đoàn Hùng Vũ - Trưởng Phòng CNTT, Sở TT&TT: “Hiện tại, dự án đang còn bỏ ngỏ vì chưa huy động được nguồn vốn tài trợ, nên máy tính vẫn chưa đến tay nông dân”. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu trong thời gian tới dự án được hỗ trợ nguồn kinh phí, kiến thức tin học được phổ cập sâu rộng trong nông dân thì đây là bước tiến mới cho sự phát triển nền nông nghiệp của tỉnh nhà.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn