7 lời khuyên để từ bỏ thuốc lá

Cập nhật ngày: 01/04/2015 04:38:16

Làm những việc theo sở thích như nấu ăn, làm đồ gỗ, chơi nhạc cụ... để bàn tay bận rộn khi lên cơn thèm thuốc. 

Hút thuốc là thói quen gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, suy giảm tuổi thọ và tàn phá cơ thể. Thuốc lá chứa khoảng 70 chất gây ung thư. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng riêng người hút mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, cộng đồng và đặc biệt là những người thân yêu bên cạnh. Nếu đang hút, hãy quyết tâm và lên kế hoạch để bỏ thuốc lá ngay bây giờ.

1. Chọn một phương pháp

Có rất nhiều cách để từ bỏ hút thuốc. Bạn có thể thử liệu pháp thay thế nicotine, cai theo toa thuốc của bác sĩ hoặc các phương pháp như châm cứu, thôi miên. Hãy nghiên cứu và tìm hiểu để lựa chọn cho mình những cách tốt nhất để từ bỏ thuốc. Bạn cũng có thể tham khảo thêm tại các trang web sức khỏe.


Uống trà thay vì cà phê, hạn chế rượu bia trong vài tuần đầu vì những thứ này dễ gợi cho bạn cảm giác thèm thuốc.

2. Lên kế hoạch

Sau khi đã tìm được cho mình một phương pháp, hãy lên kế hoạch để thực hiện. Nếu bạn hút nhiều và trong thời gian dài, việc từ bỏ không hề đơn giản. Đừng bỏ đột ngột mà hãy giảm dần, sử dụng thêm kẹo cao su, miếng dán, viên ngậm để hỗ trợ. Cần chú ý, trọng tâm của kế hoạch phải nêu được lý do bỏ thuốc và viết tất cả chúng ra giấy.

3. Sự hỗ trợ để vượt qua những khó chịu

Trong quá trình bỏ sẽ sinh ra những cảm giác như thèm ăn, nhức đầu, bồn chồn, khó ngủ. Hãy tận dụng sự giúp đỡ, động viên từ các thành viên trong gia đình và bạn bè trong vài tuần đầu tiên. Điều này vô cùng quan trọng khi bạn không được khỏe hoặc lúc bạn thèm thuốc.

4. Thay thế thói quen

Thói quen của một người rất khó để thay đổi. Nếu thức dậy vào sáng sớm và cảm thấy thèm một điếu thuốc, bạn cần phải phân tâm ngay. Một vài tư thế yoga giúp giảm stress hoặc đi bộ ngắn là gợi ý thích hợp lúc này. Hãy làm việc gì đó theo sở thích như đan lát, nấu ăn, làm đồ gỗ, học hoặc chơi một loại nhạc cụ để bàn tay trở nên bận rộn hơn. Uống trà thay vì cà phê, hạn chế rượu bia trong vài tuần đầu vì những thứ này dễ gợi cho bạn cảm giác thèm thuốc.

5. Đến gặp bác sĩ

Bác sĩ là nguồn thông tin tốt về những tác hại để ngừng hút thuốc. Họ có thể hướng dẫn và kê toa thuốc để giúp bạn dễ bỏ thuốc hơn. Hơn nữa, bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn với các dịch vụ xã hội trong khu vực để giúp đỡ.

6. Chuẩn bị cho thất bại

Hầu hết các chứng nghiện đều rất khó để vượt qua, vì vậy đừng mong đợi có thể từ bỏ dễ dàng. Luôn luôn ghi nhớ những lý do mà bạn nên từ bỏ thuốc. Quan trọng hơn là đừng bao giờ để thất bại ngăn cản những cố gắng tiếp theo. Ai cũng phải trải qua vài lần với rất nhiều nỗ lực mới có thể thành công.

7. Tự thưởng cho mình

Con người cần động lực để phấn đấu. Khi lên kế hoạch, đừng quên thêm vào một số phần thưởng cho từng giai đoạn. Có thể là những điều rất nhỏ, một bữa ăn tối ở ngoài cùng gia đình để mừng một tháng hoặc một tuần bỏ thuốc. Đôi khi những người trong gia đình cũng sẽ có những phần thưởng tạo thêm động lực cho bạn.

Lê Nguyễn (Theo VnExpress)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn