Cách đơn giản để không mệt và say khi uống rượu
Cập nhật ngày: 22/01/2016 03:49:00
Bên cạnh việc hạn chế tửu lượng và tác hại của rượu, bạn cần lưu ý một số lời khuyên dưới đây để đảm bảo sức khỏe:
Trước khi uống rượu
Không uống rượu với dạ dày trống rỗng: Theo Wiki How, khi đói, rượu sẽ tác động đến cơ thể nhanh hơn. Để ngăn ngừa sự tấn công của axit trong rượu, bạn cần ăn một chút trước khi uống. Một số thực phẩm có thể giúp bạn hạn chế tác hại của rượu và kiểm soát lượng rượu tiêu thụ vào cơ thể như chuối, hạt hướng dương, cà phê... Ăn thực phẩm chiên, rán cũng giúp bề mặt dà dày và ruột được tráng một lớp dầu, nhằm giảm lượng rượu hấp thu vào máu qua niêm mạc.
Uống nước: Uống 2-3 ly nước ấm trước khi uống rượu cũng ngăn ngừa tình trạng mất nước, giảm triệu chứng nôn nao. Đặc biệt là bạn nên uống nước thường xuyên trong và sau khi uống rượu để giảm lượng ethanol trong rượu và kiềm chế cơn say.
Không uống rượu khi bị mất ngủ: Khi bị mất ngủ, rượu sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đến cơ thể, làm trầm trọng hơn các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi và không kiểm soát được tâm trí. Nếu bạn có lịch tiệc tùng, cần ngủ càng nhiều càng tốt vào đêm hôm trước. Đừng nghĩ rằng một ly cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo. Thực tế, uống rượu cùng cà phê sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ và mệt mỏi hơn.
Trong khi uống rượu
Tôn trọng cơ thể: Đừng cố chứng minh với bạn bè rằng mình có tửu lượng cao. Hãy lắng nghe những tín hiệu của cơ thể, nếu cảm thấy đã đủ, bạn nên ngừng uống. Bạn nên dừng uống rượu khi bắt đầu không kiểm soát được suy nghĩ, nhìn mờ, nói lắp, đi lại khó khăn, nôn mửa...
Vừa ăn vừa uống để bảo vệ gan và ngăn ngừa tác hại của rượu tới dạ dày, gan.
Không trộn rượu với đồ uống có cồn, ga: Trộn chung các loại đồ uống lại với nhau có thể khiến bạn nhanh say và say nhiều hơn. Đặc biệt không nên pha rượu bia với nước ngọt, các chất kích thích khác, và cũng không uống rượu bia cùng một lúc. Vì các phản ứng giữa các hoạt chất với nhau sẽ làm lượng cồn dễ dàng xâm nhập vào máu, gây hại đến các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và dạ dày.
Không uống rượu khi đang uống thuốc: Bạn cũng không nên trộn rượu với thuốc vì acetaminophen trong thuốc phản ứng với cồn có thể dẫn đến suy gan.
Không hút thuốc khi uống rượu: Nhiều nghiên cứu chứng minh vừa hút thuốc vừa uống rượu sẽ gây hại cho cơ thể gấp nhiều lần. Điều này là do cồn làm cho mạch máu giãn nở, đẩy nhanh tuần hoàn máu trong cơ thể, sẽ đẩy nhanh tốc độ hấp thụ chất nicotin trong thuốc lá vào cơ thể.
Uống chậm: Cơ thể con người chỉ có thể tiêu hóa được khoảng 300 ml lượng cồn trong một giờ. Uống nhanh sẽ kích thích lượng rượu lớn vào cơ thể trong thời gian ngắn, gây tác động mạnh tới não bộ, khiến bạn no bụng, khó chịu, buồn nôn... Do vậy, bạn nên uống rượu từ từ để hạn chế cơn say hiệu quả.
Vừa uống vừa ăn: Đây cũng là cách hiệu quả để bạn tập trung chú ý vào thức ăn và giảm lượng rượu tiêu thụ. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa sẽ giúp bảo vệ gan, hạn chế tác hại của cồn tới hoạt động của gan, dạ dày.
Sau khi uống rượu
Bù nước: Mất nước là nguyên nhân chính khiến bạn gặp phải các triệu chứng nôn nao sau khi uống rượu. Do vậy, bạn nên uống một ly nước lớn ngay sau đó và để sẵn cốc nước gần giường trong trường hợp thức dậy lúc nửa đêm.
Không nên đi tắm: Sau khi uống rượu, đi tắm ngay sẽ gây hạ đường huyết, thân nhiệt giảm nhanh. Hơn nữa, chất cồn còn ngăn chặn sự phục hồi của đường đối với gan, khiến bạn dễ bị choáng váng, vì vậy, không nên đi tắm ngay sau khi uống rượu để tránh gây hại cho cơ thể.
Không nên ngủ ngay sau khi uống rượu: Trước khi ngủ, uống nhiều rượu có thể làm gián đoạn nhịp thở, hệ thống hô hấp khi ngủ tạm dừng có thể kéo dài khoảng 10 phút hoặc dài hơn. Điều này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, nhịp tim bất thường hay suy tim.
Theo Zing.vn