Cách dùng đúng thuốc dạng xịt

Cập nhật ngày: 08/01/2016 04:29:55

Hầu hết thuốc dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn hiện nay đều được dùng ở dạng phun - hít, còn gọi là thuốc dạng xịt, thuốc khí dung

Ưu điểm chính của thuốc dạng xịt là thuốc được đưa đến trực tiếp niêm mạc đường thở, do vậy có tác dụng nhanh và mạnh, trong khi nồng độ thuốc ngấm vào máu thấp nên ít gây tác dụng phụ có hại. Tuy nhiên, thuốc dạng xịt nếu không được dùng đúng cách sẽ gây lãng phí và không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.


Thuốc dạng xịt phát huy tác dụng điều trị nhanh, mạnh và hạn chế tác dụng không mong muốnẢnh: Tấn Thạnh

Nhiều lợi điểm

Thuốc dạng xịt hiện nay thường được chế tạo ở dạng bình xịt định liều (MDI) - thiết bị cầm tay dùng lực đẩy để phân bố thuốc. Thuốc được chế tạo để mỗi lần xịt có một lượng thuốc nhất định phóng thích ra. Bình xịt định liều dễ mang theo người, có khả năng phân phối liều thuốc chính xác.

Thuốc dạng xịt được dùng nhiều qua đường hô hấp trong điều trị hen suyễn và các bệnh đặc biệt ở phổi gây khó thở như tràn khí màng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Phổ biến nhất là các thuốc trong điều trị hen suyễn như các thuốc giãn phế quản dùng để cắt cơn hen (salbutamol, terbutalin) hay các corticoid chống viêm dùng để điều trị dự phòng hen (beclomethason, budesonid, fluticason).

Thuốc dạng xịt phát huy tác dụng điều trị nhanh và mạnh, đồng thời cũng hạn chế được tác dụng không mong muốn của thuốc so với khi dùng đường toàn thân (uống hoặc tiêm). Chẳng hạn, corticoid trong điều trị hen nếu dùng theo đường uống, thuốc sẽ gây tác dụng tại nhiều bộ phận của cơ thể ngoài hệ hô hấp nên sẽ gây ra những tác dụng có hại như giữ nước, làm tăng huyết áp, gây suy tuyến thượng thận... Nhưng khi dùng dạng xịt, thuốc corticoid sẽ đi trực tiếp vào đường hô hấp (là nơi thuốc cần phát huy tác dụng) nên hạn chế được các tác dụng phụ kể trên.

Tuy nhiên, dùng bình xịt định liều không dễ, cần hít được thuốc với liều tối đa vào hệ hô hấp. Phải có sự phối hợp rất chính xác giữa động tác xịt của tay và động tác hít của miệng. Nếu tay đã xịt mà miệng chưa kịp hít hoặc miệng hít mà tay chưa xịt thì đều gây lãng phí thuốc và không mang lại hiệu quả điều trị như ý muốn.

Sáu bước cần tuân thủ

Bước 1: Mở nắp bình thuốc.

Bước 2: Cầm bình thuốc thẳng đứng bằng 2 ngón tay, lắc đều bình thuốc 4-5 lần.

Bước 3: Thở ra cho đến khi không thể thở ra được nữa.

Bước 4: Ngậm kín môi vào phần miệng ống của bình xịt. Bắt đầu xịt thuốc và cùng lúc hít vào thật sâu, thật dài.

Bước 5: Nín thở càng lâu càng tốt (khoảng 10 giây) để giúp thuốc có thời gian lắng đọng lại ở bề mặt niêm mạc đường thở.

Bước 6: Thở ra chậm và nhẹ nhàng.

Nếu cần xịt thêm thuốc thì làm lại các bước 2-6.

Một số lưu ý khác

- Việc sử dụng thuốc đúng cách có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó các bệnh nhân nên được hướng dẫn đầy đủ và đúng cách. Ngay sau khi được nghe các bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn cách dùng thuốc, người bệnh nên dùng thử ngay trước mặt nhân viên y tế để khẳng định điều đã hiểu và làm đúng cách.

- Một số thuốc dạng bình xịt định liều có cửa sổ liều ở bên cạnh bình thuốc, trong trường hợp này chỉ cần nhìn số ở cửa sổ, khi về số “0” có nghĩa là không còn liều nào trong bình xịt. Đây là cách xác định bình thuốc đã hết thuốc.

- Trong trường hợp không có cửa sổ liều bên cạnh, cần ghi ngày bắt đầu dùng hoặc số lần dùng lên trên vỏ bình thuốc để tính toán khi nào thuốc hết để thay bình xịt mới.

- Lưu ý khi dùng thuốc dạng xịt có chứa thành phần corticoid, sau mỗi lần xịt thuốc nhớ súc miệng thật kỹ, nếu không có thể bị bệnh nấm họng.

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (NLĐO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn