Cách phòng chống ung thư từ chảo chống dính ai cũng nên biết
Cập nhật ngày: 25/03/2016 04:25:24
Không nấu nướng ở nhiệt độ quá cao; không đun nóng khi chảo chưa có dầu mỡ, đồ ăn; không cọ rửa ngay sau khi vừa chiên rán… là những lưu ý cần thiết khi dùng chảo chống dính.
Chảo chống dính là dụng cụ nhà bếp thiết yếu của mọi gia đình. Tuy nhiên, thông tin mầm bệnh gây ung thư từ chảo chống dính từ lâu gây hoang mang các bà nội trợ.
Để tạo tâm lý an toàn và sử dụng chảo chống dính được thiết thực, theo tư vấn của các chuyên gia, người sử dụng chảo chống dính tối thiểu phải thực hiện nghiêm túc các bước sau:
Ảnh minh họa.
Chảo chống dính khi mới mua về nên rửa qua với nước rửa chén sau đó quét một lớp cà phê lên mặt chảo và đem hâm nóng, sau đó rửa lại chảo cho sạch. Cách này không những giúp khử mùi của lớp sơn chống dính mà giúp chảo dễ rửa hơn.
Lớp chống dính của chảo rất dễ bị xước, vậy nên không dùng miếng cọ kim loại để cọ rửa chảo. Khi đã vệ sinh sạch sẽ, hãy treo chúng trên cao, không nên để các xoong nồi khác chồng lên chảo để tránh làm biến dạng chảo, như vậy nhiệt độ và dầu ăn sẽ phân tán không đều.
Không nên rửa chảo chống dính khi vừa chiên rán xong bởi nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến chảo bong tróc lớp chống dính. Tốt nhất sau khi nấu xong, bạn nên để chảo nguội bớt rồi mới tiến hành rửa.
Tuyệt đối không để chảo trên bếp nóng khi bên trong chảo chưa có thực phẩm. Vì với lớp sơn tĩnh điện bên ngoài sẽ giúp chảo chống dính nhanh nóng hơn các chảo bình thường, nếu chế dầu hoặc chất lỏng khác vào đột ngột sẽ làm lớp sơn chống dính dễ bong tróc.
Nên sử dụng chảo ở nhiệt độ vừa phải, không được cao quá 260 độ. Nếu không xác định được nhiệt độ, tốt nhất nên để lửa cháy trong phạm vi đáy chảo, nếu lửa cao lên đến thành chảo dễ làm hư chảo và chất chống dính trong chảo bị phân hủy, có thể gây độc hại.
Không sử dụng khi xoong chảo đã bị trầy xước và bong lớp chống dính. Dùng chảo quá 1-2 năm, nên xem xét đến việc thay chảo mới.
Theo GiadinhNet