Canh dưa vàng bổ phế trừ ho
Cập nhật ngày: 13/06/2012 07:48:08
Ho là một phản xạ sinh lý bảo vệ cơ thể biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác nhau như: viêm họng, viêm phổi, lao phổi, viêm khí quản, thanh quản... Được xếp vào chứng “khái thấu” trong Đông y, nguyên nhân ho có nhiều, có thể quy lại thành 2 loại: ho do ngoại cảm và ho do nội thương. Xin giới thiệu món ăn từ dưa vàng có tác dụng trừ ho tốt để bạn đọc tham khảo khi cần thiết.
Nguyên liệu:
dưa vàng 300g, mộc nhĩ trắng 20g, thịt lợn nạc 100g, gia vị đủ dùng.
Chế biến: Dưa gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch thái miếng vừa ăn. Mộc nhĩ ngâm nước, bỏ phần cuống rửa sạch thái nhỏ. Thịt lợn rửa sạch, bóp muối, chần qua nước sôi loại bỏ tạp chất, thái nhỏ. Tất cả cho vào nồi với lượng nước đủ dùng, đun nhỏ lửa tới khi nhừ bắc ra nêm gia vị, chia ăn trong ngày khi còn ấm. Có thể ăn liên tục 5 - 7 ngày. Bài thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế, ích can thận, trừ phiền táo. Thích dụng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, thiếu máu, háo khát thiếu tân dịch...
Theo y học cổ truyền, dưa vàng vị ngọt, tính mát, không độc, vào kinh phế, thận, có tác dụng giải nhiệt, sinh tân dịch, thích dụng điều trị các bệnh lý về đường hô hấp cấp và mạn tính. Mộc nhĩ trắng vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm, nhuận phế, dưỡng vị, sinh tân, rất thích hợp cho những người bị các bệnh lý đường hô hấp... Thịt lợn nạc có vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh tỳ, vị, thận, có tác dụng tư âm nhuận táo. Do có chứa nhiều acid amin, các chất béo, chất khoáng, vitamin nên thích dụng để bồi bổ cơ thể.
Chú ý: Do dưa vàng có nhiều tinh bột, thành phần chuyển hóa thành đường nên người tiểu đường không dùng bài thuốc này. Một số chuyên gia y tế cho rằng người mắc chứng béo phì, bị viêm ruột mạn tính, các bệnh về gan và thận không nên ăn dưa vàng. Do bài thuốc có tính lạnh nên không dùng cho người có tạng hàn.
Theo SKĐS