Chữa bệnh từ món ăn với cây chua ngút
Cập nhật ngày: 08/09/2015 10:40:53
Theo y học cổ truyền cây chua ngút có vị chua, tính mát; vào kinh can; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ khát... dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.
Cây chua ngút có tên khác là cây lá thùn mùn chua khan, dây cao su hồng. Là loại dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 50m. Thân mềm, nhẵn, cành non màu xanh lục nhạt; cành già màu nâu sẫm. Lá hình trứng, mọc đối, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, gân phụ lá so le, gốc gân phụ lá có tuyến; lá có vị chua ăn được. Hoa nhỏ màu phớt hồng, mọc thành chùm. Hạt có chùm lông ở đỉnh. Cây ra hoa tháng 2-4, có quả tháng 3-10. Cây mọc hoang phổ biến ở những nơi có nhiều ánh sáng, ven rừng hoặc trên đồi đất hoang ở khắp nước ta nhất là vùng Nam bộ.
Canh chua ngút nấu cá có tác dụng thanh nhiệt.
Bộ phận dùng làm thuốc là quả, rễ và lá. Thu hái quả vào mùa thu khi quả chín, hái về xát vỏ phơi khô lấy hạt, khi dùng sao vàng tán nhỏ. Rễ lấy về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Lá dùng tươi làm rau ăn. Lá chua ngút cùng với các nguyên liệu thịt, cá dùng để nấu canh chua trong thực đơn hàng ngày của mọi gia đình.
Một số bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết: Rễ chua ngút tươi 40g (khô 20g), rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, tùy vào cơ địa nhiệt hay hàn mà có thể kết hợp thêm với các vị thuốc.
Bài 2: Chữa ăn không tiêu, bụng trướng đầy: Lá chua ngút 30 - 50g, rửa sạch, đổ 550ml nước sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống sau ăn 30 phút. Dùng liên tục 5 ngày.
Bài 3: Chữa nước tiểu sẻn đỏ do nóng: Lá chua ngút nấu canh chua với cá hay thịt gà. Ngoài ra, lá chua ngút nấu canh chua có tác dụng làm giảm khả năng gây dị ứng của hải sản và thịt gia cầm gia súc do có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Bài 4: Hỗ trợ trị sỏi đường tiết niệu: Lá chua ngút 100 - 200g, rửa sạch, đổ 550ml nước sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 15 ngày.
Bài 5: Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương (vết thương nhỏ, hẹp): Lá tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương ngày 2 lần. 2 giờ thay băng, dùng liền 3 ngày.
Lương y Hữu Đức (SKĐS)