Củ, quả dùng sai cũng gây độc
Cập nhật ngày: 06/06/2013 06:16:15
Nhiều loại rau củ như củ dền, đậu nành… là những thực phẩm giàu dinh dưỡng cung cấp nhiều năng lượng, vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nhưng nếu chế biến không đúng cách thì có thể gây ngộ độc, thậm chí gây tử vong.
Củ dền, cà rốt
Thỉnh thoảng, các bác sĩ tại các bệnh viện nhi lại tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do cha mẹ dùng nước củ dền, cà rốt để pha sữa cho trẻ. Nguyên nhân là do củ dền, cà rốt là loại rau củ chứa rất nhiều nitrat, nitrit. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có một số đặc điểm sinh lý khác với trẻ lớn hơn và người lớn, trong đó sự chuyển hóa các chất, đặc biệt là chất độc, chưa hoàn chỉnh. Nếu cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa với nước pha củ dền, cà rốt trẻ sẽ uống phải một lượng lớn nitrat, nitrit. Riêng nitrat cũng sẽ bị các vi khuẩn ở đường tiêu hóa chuyển hóa thành nitrit cộng với nitrit có sẵn phân tán khắp trong máu của trẻ.
Trẻ bị ngộ độc nitrit mặc dù vẫn có đủ không khí để hít thở bình thường nhưng sẽ khó thở, tím tái, suy hô hấp và dẫn tới tử vong.
Trẻ lớn hơn dùng củ dền, cà rốt không sao bởi vì cơ thể có khả năng chuyển hóa, giải độc tốt hơn, trong khi trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sự giải độc này rất chậm và khó khăn hơn nhiều.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ lớn vẫn bị ngộ độc nitrat, nitrit bởi đã ăn uống quá nhiều cà rốt trong thời gian dài, lượng hấp thu nitrat, nitrit quá nhiều. Cũng không loại trừ trường hợp trẻ bị ngộ độc bị suy giảm hệ thống enzym chuyển hóa chất độc.
Để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh ngộ độc cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn, uống nước củ dền. Với trẻ lớn, cần chú ý liều lượng vừa đủ, trung bình từ 1 - 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 50g củ dền.
Đậu nành
Nếu không được đun nấu chín kỹ, các thành phần độc hại vẫn tồn tại trong đậu nành, nếu là sữa đậu nành càng cần đun kỹ nếu không dễ bị ngộ độc.
Sữa đậu nành chỉ được đun sôi đến 80 độ C thì saponin trong sữa và các thành phần độc hại khác chưa hoàn toàn bị phá hủy, nếu uống sữa này có thể ngộ độc. Sau khi ăn khoảng 30 phút - 1 tiếng sẽ có triệu chứng đau dạ dày, viêm đường ruột. Cách tốt nhất khi đun sữa đậu nành là để sôi thêm 10 phút nữa sau khi đạt đến 100 độ C.
Xử trí kịp thời khi bị ngộ độc
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng…, cần biết cách xử trí kịp thời. Nếu có các biểu hiện ngộ độc xảy ra sau khi ăn thức ăn gây ngộ độc trước 6 giờ thì phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào, bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn. Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cho trẻ, người lớn phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra.
Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
Sau khi xử trí ban đầu, nhanh chóng đưa nạn nhận tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và bác sĩ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời.
Theo SK&ĐS