Dịch sốt xuất huyết gia tăng
Cập nhật ngày: 09/09/2014 04:50:11
Thời tiết ẩm cộng với những cơn mưa dồn dập đang tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) sinh sôi. Tình trạng ca mắc SXH gia tăng nhanh chóng trong những tuần qua đang báo động một đợt dịch mới bùng phát.
Trẻ em, người lớn đều mắc
Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng của TPHCM trong những ngày qua cho thấy số trẻ đến khám và số trẻ mắc SXH gia tăng. Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, khoa SXH luôn trong tình trạng quá tải với hơn 200 bệnh nhi điều trị chỉ trong một tuần qua. Nhiều bệnh nhi trong số này bị SXH độ 3-4, gặp biến chứng, điển hình là trường hợp em Đ.N.T.T. (5 tuổi, nữ, ngụ tại quận 10, TPHCM) nhập BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốt cao liên tục đến ngày thứ 4, đau bụng nhiều, ói ra máu lợn cợn màu nâu, tay chân lạnh… Qua khám và xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán em bị SXH ngày thứ 4, được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được can thiệp sớm đặt nội khí quản thở máy… Kết quả qua gần 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe của em đã cải thiện dần và được cài máy thở. Đây là một trong các trường hợp sốc SXH suy hô hấp và rối loạn đông máu rất nặng được cứu sống trong tuần qua…
Ảnh minh họa
Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc SXH khá cao so với các tháng trước. BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cho biết trung bình điều trị 50 - 70 cháu mắc SXH trong 2 tuần vừa qua với số trẻ bị biến chứng chiếm 10%. Trong khi đó, ngay cả người lớn cũng mắc phải SXH. Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, khoảng 50 trẻ đang điều trị nội trú tại đây và gần 100 người lớn mắc SXH phải nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng khoa cấp cứu hồi sức và chống độc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong hơn 2.500 ca nhập viện từ đầu năm đến nay, chỉ có 900 ca là trẻ em còn lại là SXH người lớn. Những biểu hiện của bệnh SXH ở người lớn thường là sốt và mệt mỏi làm cho đối tượng này tưởng là cảm cúm thông thường nên chủ quan, đến khi phát nặng mới đến BV chữa trị… Ghi nhận của Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho thấy hiện mỗi ngày TPHCM có khoảng 150 ca mắc SXH nhập viện điều trị. Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận có 4.500 bệnh nhân mắc dịch bệnh này. Trong tháng 8 vừa qua có số ca mắc SXH cao hơn hẳn các tháng trước đó.
Không chỉ TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ khác và Tây Nam bộ cũng đang có dịch SXH bùng phát mạnh. BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi của BV đa khoa Bình Dương, cho biết số bệnh nhi đến điều trị SXH đã tăng từ đầu tháng 8 đến nay, với mỗi ngày hơn 100 trẻ đến thăm khám. Hiện nơi đây có hơn 250 trẻ mắc SXH điều trị, tăng gấp đôi số ca so với tháng trước đó. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cũng thông báo nơi đây phát hiện 14 ổ dịch SXH làm 250 người nhập viện.
Nguy hiểm vì nhập viện muộn
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 10.000 ca mắc SXH, chủ yếu tập trung các tỉnh phía Nam với hơn 80%. Theo đó, số ca mắc giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tập trung ở một số tỉnh như TPHCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước làm 5 người tử vong. Trước tình hình dịch SXH gia tăng, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tập trung ngăn chặn bệnh bùng phát, đồng thời ra khuyến cáo với người dân về nguy cơ và mức độ nguy hiểm của bệnh dịch.
Theo Bộ Y tế, người dân thực hiện các biện pháp đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân. Ngoài ra, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các vật dụng tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá, đồng thời phải ngủ màn; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị…
Cùng với chủ động phòng ngừa, việc phát hiện và giám sát kịp thời các ca bệnh cũng đang được đặt ra. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phần lớn những ca mắc SXH bị biến chứng là do chủ quan, nhập viện muộn hoặc chẩn đoán nhầm bệnh. Theo các chuyên gia y tế, cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm các ca bệnh SXH để kịp thời đưa đến cơ sở y tế điều trị. Khi thấy sốt cao trên 2 ngày, ở trẻ có các biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng;• chảy máu cam, chảy máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
TƯỜNG LÂM(SGGPO)