Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai
Cập nhật ngày: 18/07/2012 04:58:46
Khi mang thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đều tăng lên. Ngoài đảm bảo các nhu cầu để người mẹ duy trì sự sống bình thường, các chất dinh dưỡng còn cung cấp nguyên liệu cho quá trình hình thành và phát triển bào thai.
Năng lượng và các chất dinh dưỡng người mẹ nhận trong lúc mang thai còn được để dành dưới dạng dự trữ mỡ ở người mẹ, để sau sinh tạo sữa cho con bú. Vì vậy, khi mang thai người mẹ phải được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu để đảm bảo sự phát triển của thai, nhau thai, tăng khối lượng máu trong cơ thể mẹ và tăng dự trữ mỡ cho tạo sữa sau này.
Trước hết, khi mang thai người mẹ cần ăn nhiều hơn bình thường. Tùy theo mỗi người mà có thể vận dụng các cách khác nhau như mỗi bữa ăn thêm một ít hoặc có thể ăn thêm các bữa ăn phụ xen giữa các bữa ăn chính.
Các loại thức ăn của người mẹ phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài cơm, chế độ ăn còn phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng trong 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Thực phẩm nhóm bột đường gồm có gạo, bắp, khoai củ... giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, các loại thủy sản, trứng, sữa và các loại đậu... là nguồn nguyên liệu quí cung cấp các acid amin cần thiết cho việc xây dựng cấu trúc cơ thể, đồng thời giúp cơ thể người mẹ khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn và duy trì các hoạt động bình thường.
Thực phẩm giàu chất béo như dầu, mỡ hay các loại hạt có dầu giúp bổ sung thêm năng lượng trong khẩu phần ăn, đồng thời giúp cơ thể hấp thu được các vitamin A, D, E. Một số thực phẩm có chứa các acid béo quí như DHA, Omega-3 là các loại cá có chất béo như: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá nục, cá ngừ, cá thu; các loại ngũ cốc, các loại dầu thực vật, các loại đậu nguyên hạt, bơ thực vật rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển não bộ của trẻ.
Các loại rau xanh và quả chín cung cấp các vitamin cần thiết, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong thai kỳ. Chất xơ trong các loại thực phẩm này còn giúp thai phụ ngăn ngừa tình trạng táo bón rất hay xảy ra khi có thai.
Ngoài ra, khi mang thai cơ thể còn cần nhiều khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, kẽm... Canxi có nhiều trong các thức ăn như tôm, tép, cua, ốc hến, trứng, sữa... cần thiết cho sự phát triển hệ xương của thai nhi, phòng chống còi xương sớm và giúp người mẹ giảm nguy cơ bị loãng xương. Các loại thịt đỏ, cá, phủ tạng, các loại đậu đỗ và các loại rau xanh đậm là nguồn thực phẩm cung cấp chất sắt. Ngoài chế độ ăn, uống bổ sung viên sắt - folic mỗi ngày là biện pháp hữu hiệu để phòng thiếu máu, giảm nguy cơ tai biến sản khoa, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai và nguy cơ dị tật hệ thần kinh ở thai nhi. Thịt, cá, hải sản là nguồn cung cấp kẽm rất tốt.
Khi mang thai, người mẹ không cần kiêng cử các loại thức ăn, chỉ nên hạn chế rượu, cà phê, nước trà đặc, thuốc lá và giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như: ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi. Người mẹ cũng nên ăn lạt hơn bình thường để giảm nguy cơ phù, cao huyết áp.
Trong trường hợp bị nghén nhẹ như buồn nôn hoặc nôn hay sợ ăn một số thức ăn, người mẹ cố gắng thay thế sang một số thức ăn hoặc đồ uống có giá trị dinh dưỡng khác để đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu.
Bình thường trong thai kỳ, người mẹ tăng khoảng 10 đến 12kg, trong đó:
3 tháng đầu tăng 1kg; 3 tháng giữa tăng 4 - 5kg; 3 tháng cuối tăng 5 - 6kg.
Việc theo dõi thường xuyên cân nặng, đánh giá mức độ tăng cân trong thai kỳ là một trong những biện pháp gián tiếp đánh giá chế độ dinh dưỡng của người mẹ để có các điều chỉnh thích hợp.
BS Nguyễn Thị Thu Hương
(Trung tâm CSSKSS tỉnh Đồng Tháp)