Dùng côn trùng làm món ăn: 'Điếc không sợ súng'

Cập nhật ngày: 04/09/2016 04:31:38

Ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cảnh báo đổi với người tiêu dùng cảnh báo về tình trạng ngộ độc do sử dụng côn trùng chế biến thành thức ăn hoặc ngâm rượu uống.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, một số địa phương đã ghi nhận vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng làm thức ăn dẫn đến tình trạng nhập viện điều trị như tại Sơn La, Hòa Bình và mới đây nhất là vụ ngộ độc do ăn côn trùng là một loại sâu ban miêu tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai làm 2 người mắc và 1 người tử vong vào ngày 21/8, đã khiến Cục ATTP (Bộ Y tế) phải nhắc lại lời cảnh báo.

Một trong những lý do gây ngộ độc ở côn trùng, theo Bộ Y tế, dù đã chết và đã được qua chế biến, các loại côn trùng đã chết sinh ra độc tố, hoặc đã bị nhiễm nấm độc, côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến, nên vẫn gây ngộ độc cho người sử dụng. Ngoài ra, nhiều loại côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.


Châu chấu rang, một trong những món ăn từ côn trùng được bán nhiều trong các nhà hàng.

Trong thực tế, nhiều người cho rằng, sử dụng côn trùng ăn là nhằm “bồi bổ sức khỏe”, “tăng cường sinh lực đàn ông”… rồi “rỉ tai” nhau hướng dẫn cách sử dụng. Việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để làm các món ăn đã gây nên các vụ ngộ độc nói trên.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho biết, có thể chưa ngộ độc đến mức phải cấp cứu, nhưng việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cũng ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe người ăn. Thậm chí, đã xảy ra những vụ ngộ độc, thậm chí tử vong nhưng nhiều người vẫn “điếc không sợ súng”.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Trong những trường hợp cụ thể, có thể lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn (như nhộng tằm, nhộng ong mật...). Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, tốt nhất là không nên ăn các loại côn trùng lạ, hoặc người chưa bao giờ ăn côn trùng thì không nên thử, đề phòng các trường hợp dị ứng, hoặc ngộ độc.

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt… Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn.

Trong trường hợp sau khi ăn nếu có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Zing.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn