Giải pháp cho các vấn đề răng miệng thường gặp

Cập nhật ngày: 17/05/2015 04:33:51

Chải răng sai cách, lạm dụng nước súc miệng, xỉa bằng tăm cứng, chỉ thăm khám nha sĩ khi sâu răng nặng, lợi sưng tấy... là những sai lầm khiến bệnh răng miệng thêm trầm trọng.

Sâu răng, nha chu, viêm lợi, viêm nướu, chảy máu chân răng, răng ê buốt... là những bệnh răng miệng mà hơn 90% người Việt thường gặp (thống kê của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương). Phần lớn các bệnh răng miệng diễn tiến âm thầm, không nguy hiểm và không gây đau tức thời, nên thường được phát hiện muộn. Tuy ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và giao tiếp hàng ngày, song, nhiều người chủ quan không thăm khám nha sĩ. 


Các bệnh răng miệng khiến việc ăn uống và giao tiếp bị cản trở.

Sâu răng

Sâu răng ngày càng gia tăng do thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống. Ba yếu tố quan trọng gây sâu răng là vi khuẩn, đường trong thức ăn và thời gian. Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng có thể gây viêm tủy, viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch…

Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn vặt, đồ ngọt, thức uống có gas, chải răng đều đặn 2 lần mỗi ngày để phòng ngừa sâu răng. Khi răng sâu có lỗ hoặc viêm tấy, đau nhức khó chịu, nên thăm khám nha khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị.

Nha chu

Không chỉ phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, gãy răng… nha chu còn gây hôi miệng. Nha chu cũng gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đau vùng thái dương, gây khó khăn trong ăn uống, dẫn đến đau dạ dày.

Việc đánh răng cần thực hiện ít nhất 2 lần mỗi ngày, chải theo chiều dọc của răng để tránh tụt nướu, mòn cổ răng. Bạn nên bổ sung trái cây giàu vitamin C vào thực đơn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế ăn món quá chua, dùng ống hút khi uống nước ngọt có ga để giảm sự tiếp xúc của acid với bề mặt răng.

Viêm lợi

Viêm lợi sinh ra do vi khuẩn ở trong mảng bám răng hoặc cao răng. Vi khuẩn ở mảng bám tồn tại càng lâu thì nguy cơ và mức độ bệnh răng miệng càng nghiêm trọng gây ra càng lớn. 

Khi lợi có dấu hiệu đỏ và sưng phồng, bạn nên thăm khám nha sĩ sớm. Nếu bệnh viêm lợi xảy ra thường xuyên, khả năng bạn mắc các bệnh tim mạch tương đối cao. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là vệ sinh răng miệng 2 lần mỗi ngày và lấy cao răng định kỳ 6 tháng một lần để loại bỏ hang ổ của vi khuẩn. Nếu bị viêm lợi trùm răng khôn, có thể phải tiểu phẫu cắt phần lợi dư hoặc nhổ răng khôn theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm nướu

Khi bị viêm nướu, bệnh nhân thường ngại đau, không vệ sinh răng miệng kỹ càng tạo điều kiện cho bệnh nha chu phát triển. Các chuyên gia tư vấn, vệ sinh răng miệng là bước cơ bản để ngăn ngừa viêm nướu. Ngoài ra, không nên dùng móng tay, tăm cứng để xỉa răng, mà thay bằng chỉ nha khoa.

Chảy máu chân răng

Nguyên nhân chảy máu chân răng có thể do thiếu máu, do mảng bám, thiếu vitamin K hoặc C, hoặc do thay đổi hoóc-môn. Việc chảy máu liên tiếp là một dấu hiệu bất thường cần sớm được kiểm tra. Các nha sĩ thường yêu cầu bạn xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân liên quan đến bệnh bạch cầu, tiểu đường, tim mạch…

Răng ê buốt

Răng ê buốt (răng nhạy cảm) là vấn đề răng miệng phổ biến hiện nay. Bạn có cảm giác ê buốt khó chịu ở răng, khi ăn uống các loại thực phẩm nóng lạnh, ngọt hoặc đồ ăn có chứa acid. Do cơn đau nhức qua nhanh, người bị răng ê buốt thường chịu đựng và bỏ qua, dẫn đến nhiều tổn thương răng miệng khác về sau. Việc không chải hoặc chải lướt qua vùng răng ê buốt cũng làm tăng nguy cơ sâu răng, mảng bám và viêm nướu.

Từng bị răng ê buốt, quán quân Master Chef Hoàng Minh Nhật cho biết, bệnh khiến chị gặp khó khăn khi nếm và thưởng thức thức ăn trong thời gian dài. Giải pháp đơn giản nhất mà nha sĩ tư vấn cho nữ đầu bếp, là sử dụng kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng nhạy cảm. Ngoài ra, nên chọn bàn chải đánh răng lông mềm, đúng kích cỡ; chải răng nhẹ nhàng trong 2-3 phút; súc miệng bằng dung dịch chứa nhiều fluoride; hạn chế ăn đồ ngọt, uống nhiều nước có gas, các món chua; kiểm tra răng định kỳ.

An San(VnExpress)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn