Ho kéo dài

Cập nhật ngày: 28/07/2012 08:58:12

Ho là một phản xạ nhằm tống các vật lạ, chất tiết, khí độc, vi sinh vật ra khỏi đường hô hấp để bảo vệ cơ thể hoặc là một phản ứng của niêm mạc đường hô hấp khi có tác dụng nhân kích thích (dị ứng).

Ho kéo dài gây khó chịu cho người bệnh và làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Một số nguyên nhân

Ho có nhiều loại khác nhau, như: ho khan, hó có đờm. Đờm có khi là lỏng nhưng đôi khi là đờm đặc quánh, thậm chí có trường hợp ho có đờm lẫn máu tươi. Thông thường khi đường hô hấp mới bị tác động gây viêm, người bệnh thể hiện ho khan, tức là ho chưa có sự xuất tiết nên không có đờm. Vài ba ngày sau do niêm mạc phế quản, niêm mạc họng bị sưng nề thì triệu chứng ho cũng thể hiện khác đi và có sự xuất tiết của niêm mạc đường hô hấp cho nên ho có đờm, ví dụ hen suyễn ở người lớn và hen phế quản ở trẻ em.


Bệnh lý mãn tính của phổi có thể gây ho kéo dài

Ho khan hay gặp trong các trường hợp viêm hô hấp cấp như viêm họng (đặc biệt là viêm họng hạt, viêm họng do dị ứng). Nếu ho do viêm họng hạt hoặc viêm họng do dị ứng (ví dụ do lạnh) thì thường có kèm theo ngứa họng, rát họng. Ho khan cũng gặp trong các trường hợp viêm phế quản ở giai đoạn đầu.

Ho có đờm gặp nhiều trong các trường hợp viêm họng, phế quản đã bước sang giai đoạn toàn phát. Đờm có thể lỏng hoặc đặc quánh hoặc đờm có lẫn máu tươi (ho do lao phổi).

Ho có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Ho cấp tính thường kéo dài một vài tuần nhưng ho mạn tính có khi kéo dài nhiều tuần, thậm chí hàng tháng, có khi tới hàng năm. Ho mạn tính ở trẻ lớn thường do viêm phế quản mạn, đặc biệt là hen phế quản (viêm phế quản co thắt) hoặc ho kéo dài trong bệnh ho gà (trẻ em nhỏ tuổi).

Ở người trưởng thành, ho kéo dài chủ yếu là do viêm phế quản mạn tính, trong đó hay gặp nhất là người hút thuốc lá, thuốc lào (người nghiện thuốc lá, thuốc lào thì đường hô hấp luôn luôn bị viêm mạn tính).

Một nguyên nhân mà NCT hay gặp do ho kéo dài là hen suyễn (còn gọi là bệnh suyễn), đặc biệt là hen suyễn mạn tính. Ho ở NCT do hen suyễn mạn tính thường có đờm lỏng hoặc đặc cho nên khi ho có tiếng lọc xọc như người hút thuốc lào. Nếu điều trị cắt được cơn hen, người bệnh sẽ giảm hoặc hết cơn ho.

Một nguyên nhân gây ho ở NCT mà dễ bỏ sót là bệnh trào ngược dạ dày- thực quản. Đây là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng như đau rát sau xương ức, ợ chua, đầy hơi và ho kéo dài. Trong bệnh trào ngược thực quản có những trường hợp chỉ ho kéo dài mà ít có biểu hiện gì khác. Ho trong trào ngược dạ dày - thực quản là do dịch vị trào ngược từ dạ dày lên gây kích thích niêm mạc đường hô hấp và làm tổn thương do tác động của dịch vị dạ dày. Trong trường hợp này nếu phát hiện sớm và điều trị đúng và hết bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cũng đồng nghĩa với hết cơn ho. Thực ra ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiện nay còn bỏ sót nhiều nhất là các tuyến cơ sở, bởi vì khi thấy ho cứ tưởng là viêm đường hô hấp (họng hay phế quản).

Một số bệnh thuộc viêm đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng, tâm phế mạn cũng gây nên cơn ho, nhất là ho của bệnh giãn phế quản ở NCT thường xảy ra vào nửa đêm, gần sáng.

Đối với đường hô hấp ở người trưởng thành, nhất là NCT, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây ho kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Đây là một bệnh bao gồm khí phế thũng kèm theo viêm phế quản mạn tính gây nên ho kéo dài làm cho người bệnh bị thiếu oxy mạn tính. Ngoài ra có một số bệnh tuy gặp ít hơn nhưng cũng gây ho kéo dài như trong bệnh suy tim, nhất là suy tim nặng do ứ máu ở phổi lâu ngày hoặc ho gặp ở một số người dùng thuốc hạ huyết áp loại thuốc ức chế men chuyển ví dụ như ednyt, renitec, coversyl…

Ho do dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nếu người bệnh không được tư vấn trước thì đôi khi người bệnh đi khám hết bệnh viện này sang bệnh viện khác mà bệnh cũng không khỏi, bởi vì nếu được tư vấn trước khi dùng thuốc hạ áp thuộc nhóm ức chế men chuyển thì có thể bị ho khan. Nếu ho kéo dài mà do dùng thuốc thì đơn giản nhất là ngừng dùng thuốc thì sẽ hết cơn ho không phải dùng bất cứ thứ thuốc gì. Đáng lưu tâm nhất là ho khi phát hiện bị lao phổi, tràn dịch màng phổi, đôi khi ho kèm theo có đờm lẫn máu (bởi vì không phải bất kỳ người nào bị lao phổi cũng gây ho mà chỉ có một tỉ lệ nhất định nào đó có ho mà thôi). Đáng lo ngại nhất là ho khi có u ở phổi, đặc biệt là NCT. Có nhiều loại gây u phổi và cũng có nhiều loại u lành tính hoặc không nguy hiểm như áp-xe phổi do vi khuẩn (áp-xe do tụ cầu) hoặc ký sinh trùng nhưng đáng lo ngại hơn cả là ung thư phổi.

Cần cẩn thận khi kéo dài Trước hết là cần bình tĩnh không nên lo lắng thái quá và cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là đối với trẻ em đề phòng cơn viêm phế quản co thắt cấp tính hoặc hiếm hơn là ho do bệnh ho gà (hiện nay do tiêm phòng tốt nên bệnh ho gà xảy ra ở trẻ ít hơn). Khi đã được khám bệnh và xác định được nguyên nhân thì nên theo chỉ định của bác sĩ để điều trị cho dứt điểm không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc hoặc theo chỉ định của dược tá ở quầy bán thuốc mà mua thuốc để điều trị. Nếu làm như vậy nhiều khi bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm có khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những trường hợp bị hen cần đến cơ sở y tế để được điều trị và tư vấn điều trị dự phòng hen, bởi vì điều trị dự phòng lên cơn hen là hết ức quan trọng cả đối với người lớn cả đối với trẻ em.

Không nên hút thuốc lá, thuốc lào bởi vì hút thuốc là nguyên nhân hay gặp nhất trong các bệnh của đường hô hấp. Khi bị viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản mạn tính cũng không nên uống nước lạnh, nhất là nước đá, bởi vì niêm mạc họng rất nhạy cảm với lạnh. Nếu bị bệnh tăng huyết áp mà bác sĩ đã có chỉ định điều trị nhưng khi dùng thuốc thấy bị rát cổ, ho, nhất là ho khan thì cần báo cho bác sĩ biết để thay đổi thuốc cho phù hợp.

Theo SK&ĐS



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn