Làm gì để hơi thở thơm tho?

Cập nhật ngày: 25/07/2013 06:14:10

Miệng là cửa ngõ của sự tiêu hóa và hô hấp, có nhiệm vụ quan trọng trong việc tiêu hóa thực phẩm. Nếu không khéo giữ gìn thì cũng dễ mắc bệnh, nhất là hôi miệng.

Có nhiều nguyên nhân

Hơi thở hôi là dấu hiệu một bệnh nào đó của cơ thể. Ðây là một chứng bệnh rất phổ biến với nhiều nguyên nhân phức tạp. Thường thường, khi nói tới hôi miệng thì nhiều người cho là do bệnh từ dạ dày, nhưng thực ra những 85% trường hợp hôi miệng lại chính từ miệng, còn lại 15% đến từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề dinh dưỡng, ăn uống.


Chè xanh.


Gừng

Miệng nơi trú ẩn nhiều loại vi sinh vật, đặc biệt là ở phần sau của lưỡi. Đa số các vi khuẩn này thuộc nhóm kỵ khí nghĩa là chúng chỉ tăng sinh trong môi trường không có ôxy như trong bựa răng, khe răng, túi nha chu nhất là ở mặt sau của lưỡi. Do thức ăn sót lại trong miệng hoặc ở các kẽ răng bị phân hóa bởi các vi sinh vật tạo ra mùi hôi. Nếu không được vệ sinh sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn ở nướu răng gây hôi miệng. Ngoài ra, miệng khô, như ngủ ban đêm thở bằng miệng hoặc dưới tác dụng của vài dược phẩm, hút thuốc lá khiến cho miệng khô, vi khuẩn xâm nhập và tạo ra mùi hôi. Các bệnh nấm miệng, răng giả không được vệ sinh đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây mùi hôi.

Một số thực phẩm có chất dầu gây hôi cho hơi thở như tỏi, hành,… sau khi được tiêu hóa được hấp thụ vào máu, lên phổi và theo hơi thở dẫn đến hôi miệng. Một số bệnh về hô hấp như viêm phổi mạn tính, viêm xoang mạn tính; các bệnh về dạ dày (rối loạn về sự co bóp dạ dày, hẹp môn vị, thoát vị khe thực quản…) có thể dẫn đến hôi miệng. Đối với những trường hợp mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng như: Thuốc chống dị ứng benadryl, tâm thần, trầm cảm, thuốc lợi tiểu tiện, trị bệnh Parkinson, tăng huyết áp…khiến miệng hôi.

Khắc phục miệng hôi

Trước hết, cần vệ sinh răng miệng sau khi ăn, kể cả khi ăn vặt. Sau khi chải răng có thể cần dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nhỏ lấy hết thức ăn sót trong miệng, đặc biệt là ở kẽ răng. Đồng thời có thể tạm thời làm giảm mùi hôi với kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt và át mùi hôi miệng. Hoặc có thể súc miệng với các mỹ phẩm làm thơm miệng. Sau bữa ăn có thể dùng hoa quả nhiều chất xơ như táo, cà rốt, lê khi nhai có thể làm sạch miệng. Hoặc có thể nhai một vài lá cây có mùi thơm như quế, gừng, rau mùi tây, bạc hà, hồi, chè xanh… cũng tạm thời át mùi hôi ở miệng.

Hạn chế uống rượu, cà phê.

Nếu hôi miệng kéo dài hoặc do mắc bệnh phải dùng thuốc thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Theo SK&ĐS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn