Liên tiếp xuất hiện sữa “dính chàm”

Cập nhật ngày: 07/08/2013 05:34:01

Liên tục trong mấy ngày gần đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát đi thông tin cảnh báo và yêu cầu thu hồi một số loại sữa nhập khẩu có chứa vi khuẩn gây độc tố, không đảm bảo chất lượng. Thông tin này đa khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng vì trước đó đa lựa chọn cho con em mình sử dụng một trong những sản phẩm sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm vừa được công bố này...

Điểm mặt sản phẩm sữa không đảm bảo

Ngày 5/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa nhận được thông tin từ Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thông báo về việc các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa whey protein concentration bị nhiễm Clostridium Botulinum xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Ả-rập Xê-út. Các sản phẩm này gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi), số lô 3169 và 3170, hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi) số lô D3183, hạn sử dụng 31/12/2014 có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum (vi khuẩn gây độc tố trong thức ăn, thường được gọi là vi khuẩn gây bệnh độc thịt).


Thông tin sữa bị nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng lo ngại.

Trong một động thái khác, chiều ngày 5/8, Cục ATTP đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Danone Việt Nam dừng lưu thông và khẩn trương tiến hành thu hồi sản phẩm thực phẩm công thức dinh dưỡng Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi loại 800g với số lô 300513R1 sản xuất ngày 30/5/2013 bởi Công ty Danone Dumex (Malaysia) SDN, BHD do nghi nhiễm Clostridium Botulinum. Trước đó, Cục ATTP cũng đã có văn bản yêu cầu văn phòng đại diện Công ty sữa Abbott tại Việt Nam dừng ngay việc lưu thông và thu hồi các lô sản phẩm Similac Gain- Plus Eye-Q (dành cho trẻ 1 - 3 tuổi, loại hộp 400g và 900g) có thể cũng bị nhiễm Clostridium Botulinum.

Yêu cầu kiểm tra nhà nước chặt chẽ thực phẩm có chứa whey protein concentrate nhập khẩu từ Newzealand

Trao đổi với ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP được biết, ngay sau khi nhận được thông báo, Cục đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại Cục từ đầu năm 2012 đến nay. Kết quả cho thấy, tại Việt Nam, sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia được công bố tại Cục ATTP lưu hành từ năm 2012. Tuy nhiên, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi được công bố tại Cục. Dù vậy, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam, Cục ATTP đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Dinh dưỡng châu Úc - đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare, khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về Cục trước ngày 6/8. Cũng liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng này, ngày 5/8, Cục ATTP gửi công văn cho các cơ quan kiểm tra nhà nước đề nghị kiểm tra chặt chẽ thực phẩm có chứa whey protein concentrate nhập khẩu từ Newzeland.

Đối với 11 lô sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q dành cho trẻ 1 - 3 tuổi, loại hộp 400g và 900g (qua khảo sát của phóng viên tại một số điểm bán hàng dành cho trẻ nhỏ được biết sản phẩm sữa này đang được nhiều bà mẹ lựa chọn cho con em mình sử dụng), theo thông báo từ đơn vị nhập khẩu, 11 lô sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nghi ngờ có nhiễm Clostridium Botulinum nhập về Việt Nam từ ngày 17/6 đều đã được phân phối ra thị trường. Do đó, Cục ATTP đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia lấy mẫu kiểm nghiệm và sẽ công bố kết quả xét nghiệm chính thức vào tuần này. Ông Trung cũng khuyến cáo người tiêu dùng đã mua sữa Similac GainPlus Eye-Q cần kiểm tra số lô của sản phẩm in ở đáy lon sữa, nếu trùng khớp với số lô của 11 lô hàng bị cảnh báo nhiễm khuẩn thì phải ngưng sử dụng sản phẩm ngay.

Theo Cục ATTP, hiện nay còn 2 lô sữa khác có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đã được nhập về Việt Nam nhưng không xuất ra thị trường, được giữ lại toàn bộ trong kho của nhà nhập khẩu là lô số 2676G54121 và 2678G54121.

Đến cuối giờ chiều ngày 5/8 theo thông tin từ Cục ATTP, đã có 11.600 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q của hãng Abbott được thu hồi trên tổng số 12.927 thùng đã xuất ra thị trường.

Ý kiến chuyên gia Theo TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm Clostridium Botulinum đã sinh ra độc tố hoặc do ăn uống phải thực phẩm chứa nha bào Clostridium Botulinum, khi vào đường tiêu hóa phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh. Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm Clostridium Botulinum.

TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Clostridium Botulinum phát triển mạnh trong môi trường ẩm thấp của thực phẩm khi không được bảo quản tốt. Những người ăn phải thực phẩm chứa Clostridium Botulinum không hề có biểu hiện hay triệu chứng gì. Nếu ăn phải thực phẩm nồng độ thấp có chứa vi khuẩn nhiễm Clostridium Botulinum không đáng kể, cơ thể con người sẽ tự đào thải một phần độc tố qua bên ngoài. Hoặc có thể sẽ tích lũy và đi vào gan, não gây ra tê liệt một số bộ phận. Nhưng nếu ăn phải nồng độ cao, độc tố sẽ không thể đào thải ra bên ngoài và gây nguy hiểm đến tính mạng, bởi đây là vi sinh vật mang độc tố cực mạnh nếu như phát triển.

Liên quan đến 11 lô sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (số 3, dành cho trẻ 1 - 3 tuổi, chỉ loại hộp 400g và 900g) bị nhiễm khuẩn, đại diện của hãng Abbott Nutrition Việt Nam cho biết, khách hàng đa mua sữa này cần kiểm tra số lô (in dưới đáy lon là “LOT NO”) và nếu thấy số lô trùng khớp với số lô bị ảnh hưởng thì mang đến nơi bán hàng để được đổi sản phẩm và gọi tới đường dây nóng của Abbott Nutrition 19001519 nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Danh sách các lô có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đã xuất ra thị trường và đang được thu hồi bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2566G54120, 2567G54120, 2676G54120.

Theo SK&ĐS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn