Ngăn chặn sự lây nhiễm của virus Ebola: Cuộc chiến khó khăn
Cập nhật ngày: 14/10/2014 05:06:01
Với thống kê mới nhất tính đến ngày 10-10, đã có ít nhất hơn 4.000 ca tử vong trong tổng số 8.399 ca nhiễm Ebola tại 7 nước trên thế giới.
Ngoài các quốc gia tại Châu Phi bao gồm: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria, Congo, Senegal thì dịch bệnh đáng sợ này đã bắt đầu vươn ra ngoài Lục địa đen khi ngày 8-10 vừa qua, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Ebola đầu tiên tại Mỹ đã qua đời.
Những ca tử vong vì Ebola ngày càng tăng và dịch bệnh đáng sợ này đang lan rộng ra các châu lục khác.
Tuy nhiên, đây chưa phải là trường hợp duy nhất ngoài Châu Phi bị nhiễm căn bệnh đáng sợ này. Do vậy, điều mà thế giới lo ngại nhất khi dịch Ebola bùng phát tại Châu Phi dường như đang tới gần. Đó là sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm và khó kiểm soát ra các lục địa khác.
Trên cơ sở phân tích tốc độ tấn công của virus Ebola và dữ liệu hoạt động hàng không, các chuyên gia y tế dự đoán 75% nguy cơ dịch bệnh có thể lan tới Pháp và 50% khả năng xuất hiện tại Anh trước ngày 24-10. Sở dĩ Pháp trở thành một trong những quốc gia có khả năng bị Ebola "du nhập" là do các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh (Guinea, Sierra Leone và Liberia) đều là những quốc gia nói tiếng Pháp và có nhiều tuyến du lịch tới nước này. Riêng đối với Anh thì Heathrow là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới và việc kiểm soát, phòng ngừa dịch qua đường hàng không vẫn là thách thức với các chuyên gia y tế. Trong khi đó, các trường hợp mới nghi nhiễm xuất hiện tại Cộng hòa Czech, Brazil và Pháp là lời cảnh báo để các nước tăng cường các biện pháp y tế để dịch bệnh không xâm nhập vào nước mình. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ dự báo, số ca mắc bệnh có thể tăng lên 1,4 triệu ca vào tháng 1 tới, nếu thế giới không có biện pháp mạnh để kiềm chế dịch. Một thách thức khác trong cuộc chiến lâu dài chống lại dịch Ebola chính là thay đổi nhận thức của người dân, bởi theo Liên hợp quốc (LHQ), rất nhiều người sống tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola vẫn phủ nhận sự tồn tại của loại virus nguy hiểm này.
Trước hiểm họa khôn lường đó, Đại hội đồng LHQ ngay lập tức đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận chiến lược toàn cầu đối phó với dịch Ebola, đồng thời cảnh báo dịch bệnh tiếp tục bùng phát với tốc độ "chóng mặt". Tại cuộc họp, LHQ nhấn mạnh tới khoản cam kết 1 tỷ USD để chống Ebola mới chỉ huy động được 1/4. Bên cạnh đó, các nước tâm điểm dịch tại Tây Phi đang cần hỗ trợ khẩn cấp về y tế để đối phó dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng chưa từng có. Cùng thời điểm này, trong cuộc họp hàng năm khai mạc hôm 10-10 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), vấn đề ngăn chặn dịch Ebola và chống biến đổi khí hậu đã được đặt là những ưu tiên hàng đầu. Theo báo cáo mới được công bố của WB, tác động của dịch Ebola về mặt kinh tế vốn đã rất nghiêm trọng, nhưng sẽ còn khủng khiếp hơn nữa nếu không nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh này. Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng nếu không nhanh chóng kiềm chế sự lây lan của dịch Ebola sang các quốc gia khác, những thiệt hại kinh tế trong 2 năm đối với khu vực Tây Phi có thể lên tới 32,6 tỷ USD vào cuối năm 2015.
Hiện các nước đang tăng cường hỗ trợ khu vực Tây Phi đối phó khẩn cấp với virus chết người Ebola. Các binh sĩ Mỹ đã có mặt tại Liberia và thiết lập các trung tâm y tế dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân. Máy bay chở 100 tấn hàng hóa đầu tiên gồm đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang và thuốc men của Liên minh Châu Âu (EU) đã lên đường tới Tây Phi, tham gia "cuộc chiến chống Ebola". Đây là một phần trong khoản hỗ trợ mới trị giá 4 triệu euro của EU để đối phó cuộc khủng hoảng Ebola. Việc soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt tại sân bay đối với hành khách từ Tây Phi đã bắt đầu được áp dụng rộng rãi hơn.
Sự đáng sợ của virus Ebola là ở chỗ bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm bệnh gần như nhận bản án tử hình vì virus này chưa có vắc xin và thuốc phòng. Vì vậy, thế giới đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn hiệu quả loại dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử.
Thùy Dương (HNM)