Ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch

Cập nhật ngày: 30/09/2014 05:27:50

Nguyên nhân phần​ lớn cũng vì những người trẻ hiện nay không có chế độ tập luyện đều đặn, nghiện thuốc lá, ăn uống không hợp lý, stress vì công việc...

Một số thống kê gần đây, người mắc bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa khi độ tuổi mắc bệnh chỉ dưới 40. Viện Tim mạch Quốc gia ghi nhận, bệnh nhân trẻ nhất bị bệnh mạch vành mới ở tuổi 37, trong khi bệnh thường chỉ có ở người ngoài 50 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người dưới 35 tuổi bị tăng huyết áp, trong khi khuyến cáo chung tăng huyết áp thường gặp ở người trên 45 tuổi.


Khám và tầm soát sớm giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Ảnh: Lê Phương.

Các bệnh viện có chuyên khoa sâu về tim mạch vẫn thường tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành ở độ tuổi khá trẻ (dưới 40 tuổi). Nguyên nhân phần lớn cũng vì lối sống kém lành mạnh của những người trẻ như lười vận động, ăn uống không hợp lý, stress vì công việc...

Bệnh tim mạch được ví như "kẻ giết người số một" bởi đây là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cứ 2 giây thì sẽ có một người chết do bệnh tim mạch, cứ 4 giây sẽ có một người bị nhồi máu cơ tim, 5 giây có một người bị tai biến mạch máu não và cứ 3 người tử vong thì có một người mắc bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 6 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh là HIV/AIDS, sốt rét và lao.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nam, Đơn vị Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, bệnh tim mạch ít khi khởi phát một cách ngẫu nhiên và bất ngờ mà nó là kết quả của một quá trình.

Quá trình này ngắn hay dài tùy thuộc vào điều kiện cơ thể và lối sống của mỗi người. Điều đáng nói là các triệu chứng của bệnh tim mạch ở giai đoạn đầu thường không đặc trưng và rất khó nhận thấy, đến khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng và mang tính điển hình hơn thì bệnh đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Lúc này việc điều trị trở nên phức tạp và nhiều rủi ro. Rất nhiều người do thiếu cảnh giác mà dẫn đến tim mạch đột quỵ.

Tuy nhiên nếu bệnh tim mạch nếu được phát hiện, can thiệp, phẫu thuật kịp thời thì tỷ lệ thành công rất cao. Bác sĩ Nguyễn Hồng Nam cho biết: “Ít nhất 80% ca tử vong sớm do bệnh tim mạch gây ra có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt 4 yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động và sử dụng các chất cồn gây hại”.

Để không trở thành nạn nhân của bệnh tim mạch, mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và nên bắt đầu ở tuổi 20. Trong đó có nhiều chỉ số cơ thể không thể bỏ qua như huyết áp, cân nặng. Nên kiểm tra ít nhất 2 năm một lần chỉ số khối cơ thể BMI và vòng eo, kế đến là chỉ số cholesterol cứ 5 năm cần kiểm tra và thực hiện thường xuyên hơn khi đến 45 tuổi đối với nam giới và 50 tuổi đối với phụ nữ. Cùng với đó, nên xét nghiệm đường huyết 3 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 45. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh tim như gặp khó khăn trong vận động, mệt mỏi bất thường, lo lắng, khó tiêu hoặc khó thở, cần kịp thời gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị thích hợp.

“Nếu mỗi người đều chú ý lắng nghe và thấu hiểu cơ thể mình, với sự hiểu biết và tôn trọng những quy tắc về lối sống, ăn uống, tập thể dục… cùng sự hỗ trợ của các kỹ thuật y tế hiện đại, chúng ta có thể phòng tránh được hậu quả của bệnh tim mạch”, bác sĩ Nguyễn Hồng Nam nhấn mạnh.

Từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch Thế giới phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới phát động Ngày tim mạch Thế giới tổ chức định kỳ vào ngày 29/9 mỗi năm cùng với nhiều sự kiện nâng cao nhận thức ở hơn 100 quốc gia như kiểm tra sức khỏe, đi bộ, diễn đàn, triển lãm... Thông điệp của Ngày Tim mạch Thế giới năm nay là “Cùng tạo môi trường lành mạnh cho trái tim khỏe”.

Lê Phương(VnEpxress)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn