Phòng tránh, cấp cứu rắn độc cắn

Cập nhật ngày: 17/10/2013 05:03:41

Đến mùa nước nổi, các loại rắn không có nơi ẩn náu, thường trú ngụ ở những nơi u tối, rậm rạp, nên mọi người, nhất là người dân vùng ngoại thành, nông thôn dễ có nguy cơ bị rắn độc cắn. Người dân cần lưu ý phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường sạch sẽ; nếu chẳng may bị rắn cắn nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Anh Nguyễn Thành Thống, 36 tuổi, ở quận Ô Môn, trong lần đi thăm vườn, giẫm chân vào bụi cỏ, cảm giác đau rát và tê rần ở chân. Anh Thống nhìn thấy vết cắn bị bầm ở chân, nhưng không nhìn thấy con rắn. Đoán là bị rắn độc cắn nên anh Thống đến ngay cơ sở y tế. Sau 4 ngày được các bác sĩ ở Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện 121, anh Thống đã có thể xuất viện được. Cũng điều trị tại Bệnh viện 121, dì Phan Thị Thanh Thủy (56 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều), chỉ cái chân còn phù nề, sưng to, kể lại: Dì đang đi cặp bên hông nhà, cạnh mấy chậu kiểng, bất ngờ bị rắn cắn. Dì từng bị rít, bò cạp kẹp, lần này thấy vết cắn kỳ kỳ nên dì buộc ga-rô phía trên vết cắn, lập tức đến Bệnh viện 121. Các bác sĩ cho biết, với các triệu chứng sưng phù nề, dì bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.


Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên thăm khám cho bệnh nhân bị rắn độc cắn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Khoa Hồi sức – Cấp cứu Bệnh viện 121, cho biết, có những ngày Khoa tiếp nhận 4- 5 trường hợp bị rắn độc cắn mức độ nặng. Vào mùa mưa, nhất là mùa nước nổi, các loại rắn không chỗ trú ẩn nên bò xung quanh vườn nhà. Người dân thường đi làm đồng, làm vườn, sinh hoạt quanh nhà, rất dễ gặp rắn và không may giẫm trúng, rắn sẽ cắn ngay. Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận cấp cứu khoảng 70 trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn, từ các địa phương vùng ven, vùng ngoại thành Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long… Tỷ lệ bệnh nhân bị rắn cắn tăng từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch và nhiều nhất vào tháng 9 âm lịch, vì vào cao điểm mùa nước nổi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, hai loại rắn độc phổ biến khu vực ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng là rắn hổ đất và rắn lục xanh đuôi đỏ. Hai loại rắn này có nọc độc, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Đối với rắn hổ, nọc độc của nó gây liệt thần kinh, cơ hô hấp; người bị rắn cắn mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng không thở được, suy hô hấp, dẫn đến tử vong nếu không cứu chữa kịp thời. Còn rắn lục đuôi đỏ (có nọc độc hơn rắn lục không có đuôi đỏ) khi cắn vào cơ thể người gây tình trạng rối loạn về đông máu, làm sưng nề tại chỗ và chảy máu không cầm được. Nếu không cấp cứu kịp thời cũng gây tử vong, tuy nhiên nọc độc của nó không lan nhanh bằng rắn hổ đất. Cũng theo bác sĩ Trung Kiên, người bị rắn độc cắn cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt, bởi trong khoảng 24 giờ đến 72 giờ đầu sau khi bị rắn cắn, việc dung hòa huyết thanh kháng nọc rắn đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, đối với trường hợp bị rắn hổ đất cắn, vì chất độc làm nạn nhân bị liệt cơ hô hấp, ngưng thở, có thể gây tử vong trong vòng 2-3 giờ, do đó không nên đưa người bị rắn cắn đến thầy lang mà kịp thời chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cho bệnh nhân thở máy. Đa số trường hợp bị rắn cắn đưa đến bệnh viện trước khi bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim, đều cấp cứu thành công; ngược lại làm triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân trở nên nặng nề, khó phục hồi, thậm chí tử vong.

Rắn độc hay rắn không độc có thể nhận biết qua dấu răng để lại trên vết cắn. Rắn độc cắn để hai dấu răng nanh sâu hoắm; còn các loại rắn không độc thì để dấu nguyên hàm răng nhưng không có dấu răng nanh. Phía sau răng nanh của rắn độc có tuyến độc, khi cắn chúng phun độc vào vết cắn, gây sưng, phù nề, hoại tử tại chỗ cắn. Do đó, người bị rắn cắn cần quan sát hình dáng hoặc đập chết con rắn, rồi mang đến cơ sở y tế để bác sĩ biết chính xác loại rắn độc đã gây hại, định hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế điều trị, các bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng lâm sàng để đưa ra hướng điều trị chính xác. Thời gian điều trị trung bình bệnh nhân bị rắn độc cắn trong vòng một tuần.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chiếm, Phó Giám đốc Bệnh viện 121, cho biết, thời gian qua, người dân bị rắn độc cắn khá nhiều; đặc biệt, trong mùa nước nổi số lượng bệnh nhân càng tăng thêm. Xử trí ban đầu khi bị rắn độc cắn là buộc ga-rô để ngăn chặn chất độc lan rộng khắp cơ thể, vệ sinh sạch sẽ vết cắn, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Bệnh viện 121 có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị rắn độc cắn. Bệnh viện luôn có sẵn nguồn huyết thanh kháng độc hai loại rắn hổ đất và rắn lục xanh đuôi đỏ. Bác sĩ Nguyễn Văn Chiếm khuyến cáo: Để đề phòng rắn độc cắn, khi ra vườn bà con phải mang ủng, bao tay; phát quang môi trường xung quanh sạch sẽ. Khi có người bị rắn độc cắn, cần kịp thời sơ cấp cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên môn để được điều trị hiệu quả.

Hải Tiến (Báo Cần Thơ)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn