Phòng và chữa kiến ba khoang tại nhà
Cập nhật ngày: 14/10/2015 05:41:32
Kiến ba khoang là loại côn trùng độc hại thường xuất hiện vào mùa mưa, khi bị đốt thường để lại vết bỏng rát, mụn nước trên da. Với hình dạng bé nhỏ tưởng chừng như vô hại, nhưng trên thực tế chất độc của nó tiết ra lại gây ra nhiều hậu quả đáng sợ như biến dạng vùng da, hư hoại phần bề mặt da khó lấy lại được như trước. Nếu không biết cách xử lý sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Vài năm gần đây, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều và trở thành “vấn nạn” ở thành phố mà nhiều người bệnh đã mắc phải. Sở dĩ loài kiến này đốt rất đau do trong cơ thể nó có chứa một loại chất độc có tên gọi là pederin (C24H43O9N). Chất độc này có độc tính gấp 12 – 15 lần rắn hổ và tồn tại rất lâu ngay cả khi kiến đã chết đi rồi.
Đáng ngại nhất là kiến ba khoang đông, sinh sôi nhanh, rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng kiến ba khoang tấn công là giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giường, chiếu, chăn màn sạch sẽ để côn trùng không có nơi trú ngụ. Vệ sinh xung quanh khu dân cư, phát quang bụi cây, cỏ dại quanh nhà.
Bạn cũng có thể thắp bóng đèn bên ngoài hành lang để dụ kiến không vào nhà, tắt các thiết bị đèn điện trong nhà khi không cần thiết. Để phòng tránh kiến ba khoang, gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương….
Riêng ở khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh dịu, đỏ, vàng. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp.
Kịp thời chữa trị khi bị “hại”
Biểu hiện đầu tiên khi bị kiến ba khoang đốt đó là ngứa rát, căng da, xuất hiện mụn nước li ti rộp lên thành từng mảng. Nếu chẳng may những mụn nước đó bị vỡ, chất độc sẽ lan sang những vùng da tiếp giáp. Sau từ 1- 3 ngày những mụn nước li ti đó to thành bọng nước, một vài trường hợp bị mưng mủ. Lúc này, người bệnh có thể phát sốt, rất khó chịu. Đặc biệt là trẻ em, một trong những đối tượng có sức đề kháng kém. Bệnh sẽ tiến triển nặng hơn do trẻ hiếu động và không chịu được ngứa, khi đó trẻ sẽ gãi làm vết thương trầy xước gây nhiễm trùng và lan rộng hơn.
Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa 3 – 4 lần/ ngàyđể trung hòa chất tiết của côn trùng, làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó, bôi cácthuốc làm dịu da, mát da như Hồ nước (thành phần gồm oxyd kẽm, bột talc,glycerin, nước cất) có tác dụng làm mát da, giảm viêm, sát khuẩn, làm khô, chechắn, bảo vệ vùng da tổn thương. Khi da đã nổi mụn, phồng rộp như vết bỏng, tiếptục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.
Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch Xanh methylen bôi lênvết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
Đặc biệt khi Xanh methylen kết hợp cùng Tím tinh thể tạo nên dung dịch Milian, đây là loại thuốc có tính sát khuẩn tại chỗ, để phòng và chống bội nhiễm. Do vậy, để xóa đi các bọng nước, bọng mủ; đồng thời giảm nguy cơ viêm nhiễm lan rộng ra toàn thân, tại vùng da tổn thương bạn nên chấm dung dịch Milian từ 2 đến 3 lần 1 ngày .
Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, nên sử dụng các loại thuốc mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa để bôi, giúp vết thương mau lành.
Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với thuốc bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Phạm Thúy Hằng / GiadinhNet