Tài xế trả lại tiền, cụ bà trả sổ nghèo: Sự tử tế nâng đỡ niềm tin!
Cập nhật ngày: 23/10/2019 14:46:58
Những hành động tử tế của bà cụ 83 tuổi cũng như anh lái xe khiến chúng ta cảm thấy được nâng đỡ về tinh thần giữa những chuyện phản cảm, bức xúc gần đây.
Trong những ngày gần đây, khi mà hàng vạn người dân Hà Nội đang vật vã xoay sở, bức xúc vì sự cố nước sạch nhiễm bẩn, có độc tố styren cao gấp 1,3 đến 3,65 lần bình thường, thì những câu chuyện về sự tử tế lại là chỗ dựa về tinh thần mà nhiều người thấy rằng, cuộc sống này vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp để mọi người có thêm động lực nghĩ và làm nhiều hơn những việc có ích.
Chuyện cụ bà 83 tuổi ở Thường Xuân (Thanh Hoá) nhiều lần viết đơn xin trả lại sổ nghèo chỉ vì lý do rất đơn giản “Bao nhiêu người chất độc da cam, khuyết tật đeo trên mình. Có người chồng đi chiến trận miền Nam trở về đẻ đứa con, chỉ mong con gọi một tiếng mẹ ơi cũng không được. Tôi tuy 83 tuổi nhưng chân tay lành lặn, mắt sáng, xe đạp đi vèo vèo, tôi phải trả cái hộ nghèo ra".
Bà Đỗ Thị Mơ sống một mình trong căn nhà cấp 4 ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: Tuổi trẻ)
Những lời lẽ mộc mạc, chân thành của cụ bà 83 tuổi làm cả hội trường lặng đi, còn Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng ngồi ở dưới khán đài thì lặng lẽ lấy tay lau nước mắt.
Rồi mới đây nhất là chuyện anh tài xế đăng tin tìm người lái container đã tông vào xe của mình để trả lại số tiền thừa sau khi sửa xe. Sự việc xảy ra khi tài xế này dừng đèn đỏ thì bị tài xế container tông phải. Ngay lập tức, thì tài xế container đã xuống nhận lỗi và xin bồi thường số tiền sửa xe. Nhưng sau khi sửa xe xong, còn thừa ra 12 triệu đồng nên anh đăng tin tìm người tài xế container để trả lại số tiền thừa.
Tài xế xe bị nạn trả lại tiền thừa cũng vì lý do rất đơn giản, số tiền 12 triệu đồng đối với nhiều người có thể là nhỏ, còn với cánh lái xe thì đó là mồ hôi, nước mắt, là những đêm mất ngủ đường trường... Với tài xế container, sự vất vả và rủi ro càng lớn.
Tài xế đăng tin để trả lại tiền thừa (ảnh: VTCNews)
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động về sự tử tế. Nhưng hai câu chuyện gần đây nhất cho thấy xã hội vẫn còn rất nhiều điều nhân nghĩa, việc thiện. Cả hai người trong 2 câu chuyện kể trên đều là người nghèo, thậm chí họ rất nghèo vì một người là cụ bà 83 tuổi sống một mình, nguồn thu nhập chính là từ đàn gà mấy chục con; còn một người là một nhân viên của một cửa hàng sửa xe.
Nhưng vì sao họ lại kiên quyết từ chối những lợi ích vật chất, đối với nhiều người có thể là nhỏ, nhưng với họ là rất lớn. Mà thực chất, họ không trả lại thì cũng là chuyện rất bình thường, không có gì đáng chê trách.
Có lẽ việc làm của họ được cắt nghĩa từ việc là những người lao động, họ hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền. Đồng tiền thấm đẫm mồ hôi xương máu của bản thân, của “rất nhiều người đã ngã xuống để cho chúng tôi được sống như ngày hôm nay” như lời cụ bà 83 tuổi. Hay với anh thợ sửa xe, những đồng tiền đó đơn giản chỉ là mồ hôi, nước mắt, là những đêm mất ngủ đường trường…
Vì hiểu rõ giá trị đồng tiền, nên họ trân trọng nó và tự trọng với bản thân, với mọi người. Những đồng tiền đó sẽ trở nên hữu ích và ý nghĩa hơn gấp bội nếu được chuyển đến đúng người, đúng địa chỉ.
Những hành động tốt đẹp của bà cụ 83 tuổi cũng như anh lái xe khiến bất cứ ai cũng cảm thấy tĩnh tâm, cảm thấy được nâng đỡ rất lớn về tinh thần giữa sự bức xúc, mệt mỏi không chỉ trong câu chuyện “nước bẩn” mà còn rất nhiều hành động xấu xí, phản cảm trong cuộc sống hàng ngày.
Điển hình như chuyện xảy ra chỉ mới cách đây 2 ngày, lại đúng vào cái ngày 20/10 mà đáng ra phụ nữ được trân trọng, được tôn vinh thì 4 thanh niên lên xe buýt, chỉ vì lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà cả lũ xông vào hành hung cô gái trẻ phụ xe. Người phụ nữ bất lực chịu đòn của kẻ côn đồ mà không có sự can thiệp của bất kỳ ai trên xe. Sự manh động, liều lĩnh của những kẻ côn đồ xảy ra ở khắp mọi nơi trong thời gian dài vừa qua đã làm cho mọi người sợ hãi, không dám lên tiếng.
Và trong nửa tháng qua, hàng vạn người dân Hà Nội bức xúc, mệt mỏi vì phải tự xoay sở nhiều ngày để có nước ăn uống trong sự cố đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà. Những kẻ bất lương đã đổ hàng ngàn tấn dầu thải làm nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm độc. Trong khi đó người dân vẫn phải ăn, uống thứ nước bẩn đó cả tuần trời mới có sự cảnh báo từ công ty cung cấp nước và chính quyền.
Rồi hàng loạt các vụ "tuồn" thực phẩm bẩn vào trường học, vào các bữa ăn công nhân... bị phát hiện trong thời gian qua, cho thấy nhiều người đang vì tiền mà bất chấp tất cả, sức khoẻ, mạng sống của đồng loại, sẵn sàng huỷ hoại cả sức khoẻ, tính mạng của cả trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước.
Cũng trong thời gian vừa qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và các các cơ quan liên quan, hàng loạt vụ án tham nhũng đã được phanh phui, hàng chục ngàn cán bộ từ Uỷ viên Bộ Chính trị đến cấp thấp nhất là cấp xã bị xử lý, thậm chí có người bị truy tố và lĩnh án. Hành động quyết liệt, không có vùng cấm đã tạo niềm tin, khí thế trong toàn Đảng, toàn dân.
Nhưng qua đây, cũng thấy rất buồn về sự tha hoá, biến chất của con người. Có lẽ cũng bắt đầu từ lòng tham, từ việc thiếu tự trọng với bản thân và xã hội. Có người đã được thấm nhuần đến mức cao nhất Điều lệ Đảng, có người ở vị trí cao nhất trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng nhưng đều không thoát khỏi cám dỗ của đồng tiền, sa ngã, bán mình vì tiền.
Vì thế, những câu chuyện như của bà cụ 83 tuổi xin thoát nghèo, hay anh tài xế trả lại tiền thừa khi được đền bù để sửa xe hay nhiều câu chuyện tử tế khác, không chỉ là liều thuốc tinh thần nâng đỡ tinh thần, niềm tin của mọi người, mà còn đọng lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ, nhắc nhớ mọi người trước những cám dỗ vật chất tầm thường.
An An/VOV