Thoát vị đĩa đệm điều trị có khó?
Cập nhật ngày: 14/11/2012 08:09:01
Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng là một bệnh lý thần kinh thường gặp, chiếm khoảng 45 - 60% số trường hợp nằm điều trị nội trú tại các khoa thần kinh. Bệnh thường được điều trị với các phương pháp chữa trị khác nhau và phần lớn không được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Chính vì thế hiệu quả điều trị thấp, nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe lao động và tâm lý người bệnh.
TVĐĐ là bệnh thường khởi phát sau một chấn thương vùng cột sống thắt lưng, hoặc một mang vác nặng sai tư thế. Ban đầu bị đau khu trú vùng lưng, sau đó lan dọc xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân và các ngón. Đau có tính chất cơ học, vận động đau tăng, nghỉ ngơi thì đỡ và thường lan theo đường đi của dây thần kinh hông to. Đau làm hạn chế tầm vận động cột sống, cúi khó, cột sống bị biến dạng mất đường cong sinh lý.
Khi ấn vào cột sống và các điểm cạnh sống tương ứng thấy đau, có thể chạy xuống phía dưới (dấu hiệu chuông bấm). Khi đùi và cẳng chân duỗi thẳng rồi gập vuông góc với thân người thì thấy rất đau ở lưng và mặt sau đùi và không gập vuông góc được. TVĐĐ thường là đau cột sống và lan xuống một bên chân, bệnh hay nhầm với viêm dây thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, viêm khớp cùng chậu, viêm cột sống dính khớp, dãn dây chằng cột sống, căng cơ, u cột sống, lao cột sống, chấn thương cột sống...
Ai dễ mắc?
Theo thống kê, TVĐĐ phụ thuộc các yếu tố như: nam giới bị nhiều hơn nữ; thường gặp ở độ tuổi lao động từ 20 - 50 tuổi, dưới 18 và trên 70 tuổi ít gặp hơn; những người làm việc nặng nhọc, tư thế làm việc buộc cột sống vận động quá giới hạn như quá ưỡn, quá khom người, vẹo cột sống.
Nói chung, theo thời gian cột sống sẽ thoái hóa, nhưng nhanh hay chậm tùy thuộc cơ địa từng người, nếu chấn thương thì đĩa đệm thoái hóa nhanh hơn. Cơ chế của thoát vị là do đĩa đệm bị thoái hóa, khi có lực chấn thương tác động làm đẩy nhân nhầy của đĩa đệm ra khỏi vòng sợi và chèn vào các rễ thần kinh nằm trong ống sống ở phía sau, từ đó gây viêm rễ thần kinh theo tính chất cơ học.
Chữa trị thế nào?
Tùy thuộc mức độ thoát vị, chèn ép các rễ thần kinh khác nhau mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, do đó việc lựa chọn phương pháp điều trị phải do các bác sĩ chuyên khoa xác định.
Nếu đĩa đệm bị thoát vị nặng, chèn ép trên 2/3 ống sống hoặc chèn vào lỗ ghép gây đau dữ dội, gây chèn ép vùng đuôi ngựa thì cần tiến hành phẫu thuật lấy đĩa đệm để giải phóng chèn ép (khoảng 20 - 25% cần phẫu thuật). Ưu điểm của phương pháp này là giải quyết được đúng nguyên nhân bệnh, lấy đi đĩa đệm bị thoát vị chèn ép, tuy nhiên nó làm cho cột sống kém bền vững và có thể có một số biến chứng sau mổ.
Nếu thoát vị mức độ vừa, tiến hành điều trị nội khoa cơ bản, chiếm 70 - 75% các trường hợp. Việc điều trị phải bài bản, kết hợp đồng thời 3 liệu pháp là kéo dãn cột sống thắt lưng, tiêm thuốc ngoài màng cứng và dùng các loại thuốc, biện pháp không dùng thuốc khác.
Liệu pháp tiêm ngoài màng cứng là đưa thuốc tê và các thuốc chống viêm dạng steroid vào khoang ngoài màng cứng, từ đó thuốc ngấm trực tiếp vào rễ thần kinh bị chèn ép, đưa lại hiệu quả chống viêm, giảm đau cao nhất với liều thuốc thấp nhất. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa có kỹ năng tốt, cần tránh các biến chứng như viêm màng não mủ, viêm tủy, choáng, đau đầu.
Kết hợp thêm vật lý trị liệu như hồng ngoại, bó nến, điện phân và các biện pháp y học cổ truyền như châm cứu, thủy châm, có tác dụng dãn cơ, tăng tuần hoàn tại chỗ. Sự kết hợp tổng thể và hài hòa 3 liệu pháp điều trị trên sẽ mang lại hiệu quả phục hồi bệnh cao nhất, đạt hiệu quả tốt và khỏi bệnh đến 80 - 90%.
Các biện pháp điều trị can thiệp đĩa đệm tối thiểu như lase, chọc hút đĩa đệm qua da, hóa tiêu nhân... Đây là những biện pháp mới, còn ít được áp dụng trên lâm sàng, cần được nghiên cứu nhiều hơn, chúng chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào khả năng của từng cơ sở y tế.
Cần lưu ý là hiện nay có nhiều thầy lang điều trị TVĐĐ bằng cách đứng giẫm lên lưng người bệnh. Đây là một phương pháp điều trị thiếu cơ sở khoa học, đi ngược với cơ chế bệnh sinh của bệnh, do đó có thể làm bệnh trầm trọng hơn, thậm chí gây trượt đốt sống và liệt hai chân.
Theo SKĐS