Vì sao phải bảo vệ vi mạch trong bệnh tiểu đường?
Cập nhật ngày: 06/04/2014 05:52:34
Không nói chi đến thảm trạng của bệnh nhân tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim, hình ảnh bi thảm khó tránh của bệnh tiểu đường là suy thận, mù mắt, đoạn chi! Hậu quả đó sở dĩ vẫn còn là cơn ác mộng triền miên của người bệnh tiểu đường vì các mạch máu nhỏ (vi mạch) rất dễ bị thuyên tắc nếu bệnh không nằm trong vòng kiểm soát.
Câu kỷ tử
Hệ thống vi mạch bao giờ cũng là miếng mồi ngon trong bệnh tiểu đường, càng xa trái tim càng dễ tắc nghẽn, vì:
- Dòng máu đậm đặc hơn bình thường do tăng mỡ máu;
- Mạch máu dễ bị thương tổn, mạch máu càng nhỏ càng là yếu điểm, do tác hại của rối loạn biến dưỡng chất đường khiến tiểu cầu, chất mỡ, chất vôi… có cơ hội kết dính vào mặt trong thành mạch;
- Mạch máu co thắt thái quá vì trục trặc lúc nào cũng chực chờ trong khâu thần kinh – nội tiết của người bệnh có lượng đường huyết không ổn định.
Đường huyết càng dao động, hiện tượng xơ vữa vi mạch càng nhanh chân chiếm thế thượng phong. Tình trạng thiếu dưỡng khí cục bộ khi đó không mời cũng đến. Hậu quả tất nhiên nghiêm trọng nếu nơi thiếu dưỡng khí là não bộ, thành tim… Biện pháp dự phòng biến chứng trong bệnh tiểu đường vì thế phải tập trung vào mục tiêu được thầy thuốc Đông Y định danh là hoạt huyết, nghĩa là vừa giữ cho máu loãng, chẳng hạn với alpha lipoic acid, vừa bảo vệ mặt trong mạch máu trước tác dụng oxy-hóa của phế phẩm biến dưỡng trong bệnh tiểu đường, như với Câu kỷ tử…
Muốn ngăn chặn biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường phải bảo vệ cho bằng được mạng lưới mạch máu li ti trên vỏ não, cơ tim, đáy mắt, cầu thận… Mục tiêu đó hoàn toàn bất khả thi nếu chỉ trông mong vào viên thuốc hạ đường huyết bằng hóa chất tổng hợp. Bằng chứng là tỷ lệ biến chứng của căn bệnh này ở các nước tiên tiến, nơi không thiếu thuốc đặc hiệu, vẫn chưa được cải thiện! Đó cũng chính là lý do tại sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc trở về với dược liệu thiên nhiên.
Theo GiadinhNet