Ðau đầu vì sữa giả, sữa nhái
Cập nhật ngày: 30/05/2012 08:22:34
Hàng loạt vụ phát hiện sữa giả, sữa nhái khiến cơ quan quản lý đau đầu còn người tiêu dùng hết sức lo lắng. Sữa giả, sữa nhái được phát hiện từ sữa nội đến sữa ngoại. Điều nguy hiểm hơn là việc các mặt hàng sữa này xuất hiện tràn lan sẽ làm hỗn loạn thị trường sữa và người tiêu dùng là người gánh chịu hậu quả đầu tiên.
Sữa Ensure bị bắt giữ mới đây tại TP. Huế
Trong khi giá sữa liên tục tăng cao trong những năm gần đây, chất lượng sữa bày bán trên thị trường vẫn chưa quản lý chặt dẫn đến tình trạng làm giả, làm nhái các nhãn hiệu sữa nổi tiếng ngày càng tinh vi. Theo các công ty sữa, hiện sữa của các thương hiệu Mead Johnson, Abbott, Dumex, Meiji, Milex… chiếm lĩnh hơn 65% thị phần. Tình trạng làm giả, làm nhái sữa ngoại ngày càng phổ biến vì bán giá cao, dễ tiêu thụ hơn. Chính vì thế, các vụ việc làm giả sữa ngoại với thủ đoạn tinh vi ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vụ việc gần đây là ngày 22/5, Công an TP. Huế đã khám phá đường dây nhập lậu, đánh tráo, thay đổi nhãn mác thương hiệu nổi tiếng sữa Ensure, thu giữ hàng nghìn lít sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ loại 237ml. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phát hiện trên địa bàn TP. Huế có nhiều điểm bán sữa Ensure nhập khẩu trái phép và đề xuất lập chuyên án đấu tranh vì có dấu hiệu tổ chức đường dây từ TP.HCM. Đây là đường dây nhập lậu sữa Ensure có quy mô lớn được nhập vào TP. Huế rồi sau đó bán ra thị trường.
Trước đó, trong tháng 4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM kiểm tra và bắt quả tang tại một cơ sở ở phường 16, quận 11 đang tổ chức đóng lon sữa bột giả nhãn hiệu Friso và Abbott. Đối tượng vi phạm đã mua sữa bột giá rẻ, gom lon sữa đã qua sử dụng tại các vựa ve chai với giá 2.000 đồng/lon rồi đổ sữa giá rẻ vào đóng hộp, dán tem Abbott cung cấp cho các cửa hàng ở TP.HCM với giá 650.000 đồng/hộp 1kg.
Không chỉ bị làm giả, các thương hiệu sữa lớn còn bị làm nhái. Ví dụ như khi một sản phẩm sữa bán chạy trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng là ngay lập tức trên thị trường xuất hiện hàng nhái với việc thêm 1-2 chữ vào bao bì nhãn sản phẩm nhằm “lập lờ đánh lận con đen”.
Sau nhiều vụ làm sữa giả bị phát hiện,
người dân càng hoang mang khi mua sữa cho con.
Theo cơ quan chức năng, trong các loại làm giả thì hạn sử dụng thường bị làm giả nhất. Sữa có hạn sử dụng giả thường là hàng đã cận hoặc quá hạn sử dụng, được tẩy xóa hoặc in lại hạn mới để kéo dài thời hạn sử dụng. Tiếp theo là làm giả sữa bằng cách các cơ sở sản xuất sữa giả tìm mua nguyên liệu loại rẻ tiền chỉ bằng 1/3 giá sữa có chất lượng. Đây là loại bột bắp được tạo màu sắc, mùi vị khá giống với sữa bột hoặc mua loại sữa bột bình thường nhưng nhà sản xuất ở nước ngoài đã “rút” bớt chất đạm lẫn chất béo.
Công đoạn chế biến cũng rất đơn giản, chỉ cần trộn loại nguyên liệu sữa bột chất lượng thấp này với đường, hương liệu, sau đó đóng vào hộp mà không cần phải qua các công đoạn xử lý như phòng cách ly tiệt trùng, tia cực tím, máy hút chân không, thiết bị bơm nitơ... để bảo quản sữa như các nhà máy công nghiệp vẫn làm. Thậm chí, nhiều cơ sở còn trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm giả, chất béo giả được mua ở chợ hóa chất để qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Trước tình trạng này, để tránh chọn nhầm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần kiểm tra bao bì sản phẩm, các sản phẩm mua phải xem hạn sử dụng không bị tẩy xóa hoặc in chồng lên nhau, vỏ hộp nguyên vẹn, không bị móp méo, các hình ảnh và thông tin phải đầy đủ, sắc nét, rõ ràng và chính xác. Sữa bột chất lượng phải tơi, không vón cục, không dấu hiệu lạ về màu sắc, mùi vị... Ngoài ra, quan trọng nhất là người tiêu dùng nên mua hàng chính hãng, có địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối rõ ràng và mua hàng tại các địa chỉ tin cậy.
Theo SK&ĐS