Bảo tồn di sản văn hóa để phát triển du lịch có trách nhiệm

Cập nhật ngày: 06/10/2014 14:18:35

Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận mới trong quản lý, làm du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực, là quá trình liên lục, tạo ra một nơi tốt đẹp hơn để con người sinh sống, tham quan. Cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau.


Nhiều người dân chưa có ý thức trong việc tham quan lễ hội Gò Tháp.
Ảnh: Nguyễn Minh

Những năm gần đây, tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (DSVH) để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần đưa DSVH vào khai thác du lịch có trách nhiệm. Bên cạnh những mặt đạt được, không ít các điểm tham quan vẫn có hiện tượng xâm hại, gây ảnh hưởng đến di tích.

Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận mới trong quản lý, làm du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực, là quá trình liên lục, tạo ra một nơi tốt đẹp hơn để con người sinh sống, tham quan. Cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau.

Trong quá trình đi thực tế tại các DSVH trên địa bàn tỉnh, TS Nguyễn Trọng Minh - Trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Đồng Tháp cho biết, ông nhận thấy nhiều khách tham quan, du lịch chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn DSVH. Khu di tích Đình Phú Hựu (huyện Châu Thành) không gian bị lấn chiếm để sử dụng sai mục đích khiến môi trường bị ô nhiễm; Khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười) xuất hiện nhiều tiêu cực tại lễ hội Gò Tháp như mê tín dị đoan, tổ chức cờ bạc, vứt rác bừa bãi,... làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn DSVH.

Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên, trước hết do phần lớn người tham quan, cộng đồng thiếu thông tin về di sản, chưa quan tâm đến việc tìm hiểu các giá trị của DSVH; việc tuyên truyền về bảo tồn di sản còn hạn chế, chưa tác động tích cực đến du khách. Ngoài ra, còn thiếu vai trò của đội ngũ thanh niên trong hoạt động bảo tồn di sản. Qua khảo sát của Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp cho thấy, SV, học sinh và thanh niên Đồng Tháp rất ít quan tâm đến tìm hiểu giá trị DSVH, từ đó chưa thấy được giá trị của di sản trong đời sống văn hóa, cũng như vai trò của DSVH trong phát triển du lịch, dẫn đến chưa nhận thức trách nhiệm về bảo tồn DSVH phục vụ cho hoạt động du lịch.

Hiện tỉnh có 64 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh. Riêng DSVH phi vật thể, Đồng Tháp có làng chiếu Định Yên, hò Đồng Tháp, đờn ca tài tử và lễ hội văn hóa. DSVH trên địa bàn tỉnh chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển du lịch địa phương, góp phần mang trải nghiệm về du lịch văn hóa và trao đổi văn hóa cho du khách thập phương. Thiết nghĩ, để các DSVH được bảo tồn, không phải trách nhiệm của riêng ai, mà của cả cộng đồng. Chỉ có tập hợp một cộng đồng có trách nhiệm mới đủ sức mạnh để bảo tồn và phát triển du lịch trách nhiệm theo hướng bền vững.

Trước việc một số DSVH trên địa bàn tỉnh đang có hiện tượng xâm hại, Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp đã tổ chức báo cáo chuyên đề về DSVH Đồng Tháp cho hơn 300 SV của trường; triển lãm ảnh về DSVH Đồng Tháp nhân ngày Quốc tế thiếu nhi tại Công viên Văn Miếu và ra mắt Câu lạc bộ Bảo tồn DSVH. TS Nguyễn Trọng Minh cho biết, các hoạt động được tổ chức nhằm tạo điều kiện để SV quan tâm, nhận thức được giá trị DSVH; giúp SV hình thành cộng đồng có ý thức tìm hiểu, xây dựng ý tưởng cùng nhau hành động để giới thiệu, cung cấp tài liệu giá trị của DSVH đến nhân dân, để cùng thấy trách nhiệm và cùng tham gia các hoạt động bảo tồn DSVH. Sắp tới, Khoa sẽ triển khai các hình thức tuyên truyền giá trị DSVH vào các trường THPT ở TP.Cao Lãnh và nhiều trường học trong tỉnh về hoạt động của Câu lạc bộ Bảo tồn DSVH, đồng thời đào tạo kỹ năng tìm hiểu - nghiên cứu, chụp hình di sản, kỹ năng tuyên truyền để SV, thanh niên yêu di sản cùng tham gia bảo tồn và đưa DSVH vào khai thác du lịch có trách nhiệm.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn