Đến làng nghề truyền thống trăm năm

Cập nhật ngày: 26/05/2014 05:33:11

Tiếng dập lác cọc cạch liên hồi và 2 bên đường dẫn vào xã Định Yên (Lấp Vò) tươi rói những sắc màu của chiếu đã thôi thúc chúng tôi dừng chân lại đây để trải nghiệm với nghề dệt chiếu truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Nghề dệt chiếu tại Định Yên

Hiện chưa có một tài liệu nào xác định được cụ thể thời điểm xuất hiện nghề dệt chiếu ở Định Yên, nhưng theo các cụ cao niên trong xã thì nghề dệt chiếu đã có từ hơn 100 năm. Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là chợ chiếu đêm, còn được gọi là “chợ ma” do chợ chỉ nhóm họp vào ban đêm, thường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Chợ chiếu đêm nhóm khoảng từ 3 giờ đêm cho đến hơn 4 giờ sáng là tan chợ. Nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán vào ban đêm được bà con giải thích do ban ngày người sản xuất bận dệt chiếu và thương lái cũng bận đi bán nên việc họp chợ để mua bán chỉ diễn ra vào ban đêm. Giờ “chợ ma” không còn, nhưng cả 4/4 ấp thuộc xã Định Yên gồm An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình vẫn còn rất đông hộ gia đình theo nghề dệt chiếu.


Chiếu sau khi dệt được bác Năm Mum mang phơi ngoài sân

Nghề dệt chiếu Định Yên đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn được các thế hệ giữ gìn. Một chiều cuối tháng 5, chúng tôi dừng chân tại ấp An Bình, dù thời điểm này không vào mùa lễ hội để chiếu “hút hàng” nhưng tiếng máy dệt chiếu vẫn “dập” không ngừng tại nhiều nhà dân trong ấp. Để có 1 chiếc chiếu thành phẩm, đẹp, người làm ra chiếu phải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, tuyển lựa các sợi lác cho đều nhau, không to quá cũng không được nhuyễn quá, sau đó mang đi phơi nắng độ 30 phút đến 1 giờ, khi nước nhuộm được đun sôi, mang lác vào nhuộm. Sau đó, lác được tiếp tục mang phơi nắng độ 1 buổi rồi mới mang vào dệt. Khi dệt xong, chiếu lại được mang đi cắt bìa, buộc chỉ bìa và phơi nắng.

Ông Mai Thành Lập - Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết, từ khi nghề dệt chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến làng nghề tham quan.

Tỉnh có quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Làng nghề chiếu Định Yên tại cồn Quạ, ấp An Bình với diện tích trên 32ha. Dự án đang được kêu gọi đầu tư. Nếu dự án được sớm thực hiện, địa phương sẽ có dịp quảng bá hình ảnh làng nghề, từ đó thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan nghề dệt chiếu, đồng thời các dịch vụ trên địa bàn sẽ có cơ hội phát triển và những sản phẩm chiếu của trên 3.700 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu sẽ được bán “chạy” hơn.

Chúng tôi đến nhà bác Năm Mum (ấp An Bình), không khí dệt chiếu tại đây khá náo nhiệt, mọi người vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Ngoài sân và lối ra vào nhà bác Năm Mum phơi đầy chiếu với nhiều màu sắc như tô đậm thêm nét đẹp dân dã của một làng nghề truyền thống. Những chiếc máy dệt thủ công đã được bác treo cất cạnh mái hiên nhà và thay vào đó là 5 máy dệt chiếu bằng điện hiện đại. Ở tuổi 69, bác Năm vẫn cùng các con cháu ngồi dệt chiếu, thực hiện các công đoạn để làm ra những chiếc chiếu ưng ý khách hàng. Nói về nghề làm chiếu mà gần cả cuộc đời mình đã theo, bác Năm Mum cho biết, từ lúc lên 10 tuổi, bác đã theo nghề dệt chiếu do ba mẹ truyền lại, khi bán ra những chiếc chiếu, có lúc lợi nhuận rất ít, có ngày thu về chỉ được 1 ngàn đồng/chiếc chiếu, nhưng gia đình bác không ai muốn từ bỏ. Điều bác và đông bảo bà con làm nghề dệt chiếu nơi đây cảm thấy phấn khởi là vào dịp lễ, Tết, chiếu bán được giá cao. Ngoài ra, bác Năm Mum cũng như những người thợ dệt chiếu hiếu khách khác mà chúng tôi có dịp tìm đến đều rất đỗi vui mừng mỗi khi có đoàn khách du lịch tìm đến tham quan nơi dệt chiếu và động viên những người dệt chiếu vượt qua khó khăn để giữ gìn nghề dệt chiếu truyền thống.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn