Để du lịch Đồng Tháp từng bước phát triển
Cập nhật ngày: 07/04/2014 03:45:00
Đồng Tháp có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, trong đó du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử... khá hấp dẫn và độc đáo như: vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích khảo cổ Gò Tháp, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Chùa Kiến An Cung, Đền thờ Thượng tướng Trần Văn Năng, Miếu Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Làng Nem Lai Vung,...
Đập lúa trời - một hoạt động thu hút khách du lịch về
Vườn Quốc gia Tràm Chim - Ảnh: TP
Từ khi Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến 2020 được triển khai, ngành du lịch đã từng bước phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi hình ảnh Đồng Tháp. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2011, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ trên 1,3 triệu du khách, tăng 10,92% so với năm 2010, trong đó có trên 27.700 lượt khách quốc tế; đạt tổng doanh thu 162 tỷ đồng; năm 2013, đón và phục vụ trên 1,6 triệu du khách, tăng 11,07% so với năm 2012, trong đó có 40 ngàn lượt khách quốc tế, ước đạt tổng doanh thu 243 tỷ đồng.
Dù vậy, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ hạn chế, nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu; tiện nghi phục vụ khách ở các khu, điểm du lịch chưa được chú trọng; kết cấu hạ tầng du lịch chưa hoàn chỉnh...
Theo kế hoạch phát triển du lịch Đồng Tháp đến năm 2015, trong 2 năm 2014-2015, du lịch Đồng Tháp phấn đấu đón và phục vụ trên 3,9 triệu du khách, đạt tổng doanh thu trên 650 tỷ đồng, trong đó, năm 2014, trên 1,8 triệu du khách, doanh thu 297 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh xây dựng hoàn thành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2014-2015 và những năm tiếp theo; tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng phát triển du lịch trong các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng yếu: Khu di tích Xẻo Quýt; Khu di tích Gò Tháp; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, làng hoa Sa Đéc... ; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, phát huy các lễ hội truyền thống như lễ hội Bà Chúa Xứ, Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều, lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc... phục vụ du khách.
Tỉnh cũng đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí phù hợp với các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu từng khu, điểm du lịch, đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ đảm bảo việc nối tour, tuyến các khu, điểm du lịch địa phương và khu vực được thuận tiện nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan hấp dẫn du khách, khơi thông nguồn lực, động lực, thúc đẩy xã hội hóa, đầu tư phát triển du lịch; cho khảo sát và lập quy hoạch chi tiết những khu vực có lợi thế về vườn cây ăn trái để phát du lịch miệt vườn.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là cập nhật, bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh cả trước mắt và lâu dài.
TD