An Sơn - Xã đảo biển Tây
Cập nhật ngày: 13/01/2014 06:20:34
An Sơn nằm trong Quần đảo Nam Du (21 đảo) thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền hơn 90km, là xã có nhiều người phương xa đến mưu sinh, lập nghiệp, rồi gắn bó lâu dài.
Bãi Mến
Xã An Sơn có 11 đảo lớn, nhỏ, diện tích 6km2, hiện có 1.062 hộ với 4.083 nhân khẩu, chủ yếu thu nhập từ đánh bắt, nuôi hải sản và mua bán các mặt hàng thiết yếu. Toàn xã có khoảng 500 phương tiện đánh bắt từ 250 mã lực trở lên, khai thác khoảng 120.000 tấn hải sản/năm; có 85 lồng, bè nuôi cá, chủ yếu là cá bớp và bóng mú.
Ông Phạm Văn Quân - Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: “Về kinh tế của xã, những năm qua luôn có bước phát triển đáng kể, thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/người/năm. Hiện xã chỉ còn 3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo và đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, về văn hóa, xã hội còn nhiều vấn đề phải lo như sân vận động, nghĩa trang nhân dân, chợ, nước sinh hoạt,... Chúng tôi rất cần hỗ trợ bồn chứa nước để cung cấp cho bà con trữ nước mưa sử dụng đủ trong mùa nắng,...”.
Quanh quẩn trên đảo để tìm hiểu về đời sống của người dân, tôi được biết, dân cư trên đảo chủ yếu đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều gia đình từ phương xa đến đảo lập nghiệp, thành người giàu, đã mua nhiều nhà, đất ở những đô thị lớn trong đất liền nhưng vẫn gắn bó làm ăn ở đảo.
Phương tiện đi lại đường bộ ở đảo chủ lực là xe gắn máy, nên xã có đội xe ôm với 26 thành viên, thu nhập khá ổn định. Anh Phạm Văn Ken (sinh năm 1972), hiện là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, cũng là Đội trưởng Đội xe ôm cho biết, ngoài chạy xe chở khách, các thành viên trong đội còn tham gia công tác cứu hộ ghe, tai nạn giao thông, chuyển bệnh nhân nghèo, mai táng miễn phí,... Nguồn kinh phí từ quỹ tổ chức đám giỗ các nạn nhân cơn bão số 5 năm 1997 hàng năm (vào mùng 3, mùng 4 tháng 10 âm lịch; rất đông người dân đến dự và ủng hộ quỹ) và tiền đóng góp của các thành viên trong đội xe.
Những người chạy xe ôm mến khách
Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi) quê ở An Giang ra đảo sống với người anh từ năm 2003 đến nay. Ngoài chạy xe ôm, trung bình 100.000 đồng/ngày, Tuấn còn làm nghề hớt tóc, sửa xe gắn máy nên thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi về chuyện lập gia đình, Tuấn bộc bạch: “Em chưa có vợ. Ở đảo này, con trai cở tuổi em xem như “già” rồi, khó tìm bạn gái lắm, vì ở đây con gái phần lớn lấy chồng sớm, nhiều em có chồng khi chưa đủ 18 tuổi và một phần các cô đi làm ăn trong đất liền rồi lấy chồng trong đó luôn. Nếu ở đảo không tìm được người hợp ý, chắc em phải về An Giang tìm vợ rồi đưa ra đảo quá!”.
Chị Trần Thị Hằng ở ấp An Cư, xã An Sơn mua bán rau cải, cá thịt,... cho biết, chị từ Quảng Trị đến đảo từ năm 1993, chồng chị quê ở Cà Mau ra đảo năm 1990, hai người cưới nhau năm 1995. Anh chị có 3 đứa con và vừa xây được ngôi nhà trị giá 160 triệu đồng. Thế nhưng anh đã qua đời sau cơn bệnh đột ngột vào giữa năm 2013, để lại nỗi đau, nỗi trống vắng quá lớn trong lòng chị .“Vợ chồng tôi từ đầu đã xác định đảo là quê hương thứ hai của mình nên cần cù làm để nuôi các con ăn học và dành dụm để cất nhà kiên cố. Khi xây nhà xong, tưởng cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng anh mất rồi, một mình tôi sẽ còn vất vả nhiều lắm. Dù vậy, các con tôi rất ngoan, chăm học nên tôi có thêm niềm tin, nghị lực để lo cho các con” - chị Hằng nói.
Chú Trần Thanh Cơ (57 tuổi) ở ấp Củ Tron thuộc lớp người sống lâu năm ở đảo cho biết, chú và các con đều làm nghề lưới, câu để sống. Hiện chú và một người con hùn sắm chiếc ghe trị giá khoảng 300 triệu đồng và mới sắm một đường dây câu mực dài khoảng 7km với kinh phí trên 20 triệu đồng. Dù vốn đường câu mới khá cao, nhưng chú cho biết nếu đi câu trúng thì 2-3 chuyến (mỗi chuyến vài ngày) là lấy được vốn, vì mực hiện giờ giá khá cao.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng xã đảo An Sơn đang có nhiều triển vọng cho tương lai. Đó là tuyến đường quanh đảo dài khoảng 11km được Trung ương đầu tư, thi công từ năm 2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Khi con đường này hoàn thành, cùng với các tiềm năng du lịch như: bãi Mến, bãi Ngự, bãi Ba Hòn Nồm,... có cát trắng, rợp bóng dừa, có rừng, có núi... sẽ thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư. Rồi khu chợ lấn biển được tạo mặt bằng từ lượng đá phá ra làm đường đang triển khai... An Sơn hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách và sớm trở thành một trong những điểm sáng về nông thôn mới ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Thành Nam