Bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim

Cập nhật ngày: 04/09/2013 04:31:47

Sở hữu một khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, các loài động, thực vật quý, hiếm của vùng Đồng Tháp Mười như: sếu đầu đỏ, cò ốc, chim già đãy,... Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim thu hút đông đảo khách du lịch gần xa tìm đến tham quan.


Vườn Quốc gia Tràm Chim

Để khu rừng đặc dụng ấy được sử dụng hợp lý và bảo vệ an toàn, UBND tỉnh Đồng Tháp dành trên 200 tỷ đồng để quy hoạch Dự án bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tràm Chim giai đoạn từ nay đến năm 2020.

VQG Tràm Chim có tổng diện tích 7.313ha, nằm trên địa bàn các xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khu A1), phân khu phục hồi sinh thái (các khu A2, A3, A4 và A5) và phân khu hành chính - dịch vụ (khu C).

Thực hiện quy hoạch dự án, VQG Tràm Chim sẽ được quy hoạch hệ thống vận hành và cơ chế quản lý chế độ ngập nước trong mùa khô để làm cơ sở cho việc quản lý rừng tràm, đồng cỏ và đa dạng sinh học; quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa và các sinh cảnh đất ngập nước khác; bảo tồn các loài chim nước quý, hiếm, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ; các đề tài nghiên cứu khoa học; giám sát diễn biến các sinh cảnh đất ngập nước và đa dạng sinh học; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu; bảo tồn các giá trị của khu Ramsar đã được công nhận.

Ngoài ra, dự án sẽ quy hoạch các hạng mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: các hạng mục công trình vận hành chế độ ngập nước, bảo vệ rừng, gắn với phát triển du lịch sinh thái; định hướng phát triển du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch; cơ chế quản lý và đầu tư phát triển du lịch sinh thái; các giải pháp gắn kết với các hoạt động du lịch của tỉnh và của vùng,...

Dự án bên cạnh thiết lập một cơ chế kỹ thuật về quản lý chế độ ngập nước ở các phân khu đáp ứng mục tiêu bảo tồn các sinh cảnh đất ngập nước và các loài động, thực vật quý, hiếm, phát triển du lịch còn góp phần giảm thiểu điều kiện gây cháy rừng và đồng cỏ trong mùa khô; thiết lập vùng đệm và tạo cơ chế thu hút được sự tham gia của các cộng đồng dân cư sống giáp ranh với VQG Tràm Chim, đặc biệt là các hộ dân nghèo, không có đất sản xuất, sinh kế không ổn định vào các hoạt động bảo vệ, ngăn chặn sự xâm phạm trái phép vào VQG, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng bảo tồn thiên nhiên của các cán bộ kỹ thuật VQG Tràm Chim, duy trì và giữ vững danh hiệu một khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) để tạo cơ sở thu hút sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động của VQG Tràm Chim.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn