Năm 2013 - Du lịch nhiều khởi sắc
Cập nhật ngày: 22/01/2014 05:17:32
Với những con số đạt được khá ấn tượng trên tất cả các chỉ tiêu, năm 2013 được xem là năm khởi sắc của ngành du lịch Đồng Tháp. Nhìn lại một năm qua, ngành du lịch địa phương đã có những bước tiến nổi bật trong việc phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành và đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng. Ông Ngô Quang Tuyên - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Tháp thông tin thêm về điểm đáng ghi nhận của ngành du lịch tỉnh nhà trong năm qua.
PV: Xin ông cho biết về tình hình phát triển của du lịch Đồng Tháp trong năm 2013. Trong đó có những điểm nhấn quan trọng nào?
Ông Ngô Quang Tuyên: Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm đặc biệt, tập trung lãnh đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành, các địa phương, các đơn vị, khu điểm du lịch nên du lịch Đồng Tháp vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Số lượt khách đạt trên 1,7 triệu người, lớn nhất từ trước đến nay, tăng 18,21%; khách quốc tế đạt hơn 42.600 lượt, tăng 21,19%; tổng doanh thu du lịch đạt 243,47 tỷ đồng, tăng 22,96% so với cùng kỳ năm 2012. Du lịch được bình chọn là một trong mười sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2013.
Khởi sắc quan trọng nhất của du lịch Đồng Tháp năm vừa qua là đã chọn được hướng đi riêng, tập trung truyền thông nâng cao hình ảnh địa phương, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh sẵn có, liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, xác định rõ thông điệp, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành trong nước đưa khách, du khách đến tham quan, các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá cho Đồng Tháp.
Năm 2103 cũng là năm du lịch Đồng Tháp tập trung đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm, đưa vào khai thác nhiều chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, làng hoa kiểng Sa Đéc, Đồng Sen Tháp Mười... mở ra hướng mới trong phát triển du lịch của tỉnh thời gian tới cả chiều rộng và chiều sâu.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của du lịch trải nghiệm? Những đóng góp của loại hình này đối với sự phát triển du lịch của tỉnh?
Ông Ngô Quang Tuyên: Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông Mekong đổ vào Việt Nam và là một trong ba tỉnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng trên toàn thế giới, có đường giao thông thủy thuận lợi thông thương với nhiều nước trong khu vực, cảnh quan kỳ vĩ, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng nhiều làng nghề truyền thống, nghệ nhân tài hoa... Những tài nguyên đặc sắc này là điều kiện rất tốt để tỉnh khai thác phát triển du lịch trải nghiệm. Hơn nữa loại hình du lịch này hiện nay đang thu hút sự quan tâm và có xu hướng phát triển tốt, khả năng cạnh tranh cao, do sản phẩm thường ít bị trùng lắp nên không gây sự nhàm chán, du khách đến tham quan sẽ có những cảm xúc thích thú khi được hóa thân vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa để khám phá những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng của từng địa phương, vùng miền, những nền văn hóa, văn minh khác nhau.
Thực tế năm 2013, Đồng Tháp đã xây dựng và đưa vào thử nghiệm 5 chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, thu hút trên 2.000 lượt khách. Trong đó, chương trình du lịch trải nghiệm làm ngư dân được nhiều du khách ưa thích, lựa chọn. Sản phẩm du lịch trải nghiệm được đưa vào khai thác đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhất là các đơn vị đến từ TP.HCM và Hà Nội cùng tham gia giới thiệu, chào bán, đưa khách, làm phong phú đồng thời góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, cải thiện hình ảnh du lịch của tỉnh.
PV: Thưa ông, phương hướng, giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới là gì? Du lịch trải nghiệm có nằm trong các giải pháp chiến lược đó và định hướng của tỉnh đối với du lịch trải nghiệm?
Ông Ngô Quang Tuyên: Việc phát triển du lịch Đồng Tháp được đề cập trong mấy nhiệm kỳ qua, nhưng đặc biệt nhấn mạnh cụ thể và rõ nét trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy và UBND tỉnh năm 2014.
Theo đó, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các qui hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Hoàn thành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo. Xây dựng kế hoạch phát triển các tuyến, điểm du lịch, kế hoạch phát triển một số sản phẩm du lịch mới. Xây dựng Chương trình phát triển làng nghề hoa kiểng TP.Sa Đéc để kết nối phát triển du lịch. Đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, các điểm du lịch trọng tâm như: Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, Di tích Xẻo Quít, Vườn Quốc gia Tràm Chim, hạ tầng du lịch các bến tàu khách (TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, huyện Tam Nông). Củng cố, mở rộng các dịch vụ làm vệ tinh phục vụ phát triển du lịch, kết nối du lịch giữa các địa phương của tỉnh và gắn kết với các tuyến du lịch đồng bằng sông Cửu Long, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và phát triển mạnh vào đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đương nhiên, trong tổng thể đó không thể thiếu vai trò quan trọng của du lịch trải nghiệm.
PV: Xin cám ơn ông!
Thảo Vy
(Thực hiện)