Du lịch Đồng Tháp với tiềm năng liên kết vùng
Cập nhật ngày: 23/01/2020 05:21:46
ĐTO - Du lịch Đồng Tháp phát triển tiềm năng từ chính những tài nguyên bản địa, sự quan tâm, đồng hành của chính quyền, sự tham gia cộng hưởng của chính những người dân thật thà, chất phác. Đến với du lịch Đồng Tháp, nhiều du khách thú vị với hình ảnh hoa sen trên phố, những cánh đồng sen bạt ngàn hay đôi khi là trải nghiệm một đêm ngắm sao trời nơi những điểm du lịch cộng đồng giữa cánh đồng mênh mông, bát ngát.
Vườn quýt Lai Vung thu hút hơn 1.000 lượt du khách tham quan
Kết nối phát triển hạ tầng
Từ năm 2016, Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp được thực hiện với lộ trình đến năm 2020. Trong năm 2019, UBND tỉnh thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phê duyệt danh sách 73 điểm phát triển du lịch cộng đồng và ban hành Tiêu chí thi đua khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã cân đối ngân sách nhà nước, huy động hợp pháp các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, kết nối với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ du lịch còn tập trung ở chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ giữ chỗ, lữ hành, cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng...
Cự li di chuyển từ các thành phố lớn đến Đồng Tháp được rút ngắn. Từ trung tâm TP.Cần Thơ, du khách chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để có thể đến Vĩnh Long sang TP.Sa Đéc, ghé về Lai Vung hoặc đến thăm Cao Lãnh. Cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thông thương, phà Phong Hòa - Ô Môn kết nối, những con đường mới hình thành đã dần dần phá thế khuất nẻo của Đồng Tháp. Đường N2, đường Hồ Chí Minh hệ thống giao thông đang dần hoàn thiện, hạ tầng mở rộng với hệ thống cầu, nền đường láng nhựa. Từ Đồng Sen Tháp Mười, chỉ cần mất hơn 60 phút, du khách có thể đến ranh tỉnh Long An, Tiền Giang, hay xa hơn là đến TP.Hồ Chí Minh. Hơn 3 lần đến với Sa Đéc, vợ chồng anh Phạm Văn Hoàng ở khu dân cư 91B, TP.Cần Thơ cho biết: “Tôi nhiều lần sang Đồng Tháp, trước đây là đi phà Phong Hòa - Ô Môn, sang TP.Sa Đéc, nhưng giờ thì đi cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, sang Lai Vung, TP.Sa Đéc. Đường rất tốt, nên đi nhanh. Đồng Tháp khá thú vị với cảnh sắc làng hoa Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Mỗi khi sắp Tết, tôi cùng những người bạn của mình sang vườn quýt hồng Lai Vung trải nghiệm bơi xuồng, bắt cá và thưởng thức món ăn đồng quê...”.
Giao lưu ẩm thực giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Đồng Tháp
Tiềm năng liên kết vùng
Tiềm năng phát triển du lịch Đồng Tháp so với vùng được định hướng khai thác dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, các nét văn hóa, tạo nên một lợi thế du lịch mang nét đặc trưng. Làm được sự khác biệt so với vùng là một nhiệm vụ không dễ dàng đối với ngành du lịch. Bởi du lịch Đồng Tháp phải phát huy nội lực hiện có, tạo điểm nhấn đặc trưng và liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục thực hiện liên kết vùng phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, liên kết phát triển du lịch của TP.Hồ Chí Minh, tiểu vùng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh).
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện Tháp Mười
Các hoạt động liên kết vùng đã mở ra cơ hội hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động tham mưu xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ đón khách. Phân công xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương. Liên kết tổ chức các sự kiện, truyền thông du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch với các địa phương khác trong, ngoài nước. Liên kết đào tạo chất lượng nguồn nhân lực... Đánh giá tiềm năng liên kết vùng của du lịch Đồng Tháp, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Liên kết vùng đã mở ra cơ hội đối với du lịch Đồng Tháp, qua liên kết đã xây dựng rõ nét các mối quan hệ, tổ chức thành công các diễn đàn du lịch Đồng Tháp lần 2, du lịch Đồng Tháp thu hút được số lượng du khách, doanh thu du lịch tăng, Đồng Tháp trở thành điểm du lịch được lựa chọn khi đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long...”.
Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp - dấu ấn trong liên kết vùng
Số lượng du khách tìm đến Đồng Tháp qua liên kết vùng đã tạo điều kiện cho người làm du lịch Đồng Tháp có những lợi thế nhất định khi chọn du lịch là một cách để phát triển hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Ông Trần Bá Chuốt ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết: “Mùa Tết, vườn quýt của gia đình tôi đón khoảng 1.000 lượt khách từ các tỉnh về tham quan. Ban đầu gia đình chỉ trồng và bán, nhưng những năm gần đây thì bắt đầu làm du lịch. Lợi nhuận từ du lịch ổn định và tương đối cao, vì vậy không chỉ đầu tư vườn, chúng tôi còn khai thác các hoạt động trải nghiệm như bơi xuồng, câu cá, hái rau, mời du khách thưởng thức các món ăn đồng quê, tạo sự thú vị cho du khách khi đến đây...”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính sự mở lòng và định hướng khai thác du lịch chuyên nghiệp của người dân đã góp phần cùng ngành du lịch từng bước xây dựng thương hiệu du lịch. Tiếp tục phát triển du lịch Đồng Tháp trong xu thế phát triển vùng, du lịch Đồng Tháp đã kết nối các chuyên gia, tư vấn, định hướng các sản phẩm du lịch. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, thu hút du khách nội địa, quốc tế, mở rộng không gian du lịch, truyền thông sự kiện, Farmtrip, liên kết đưa các hãng lữ hành đi thực tế, vận động người dân tham gia làm du lịch chuyên nghiệp. Đến nay, Đồng Tháp đã thu hút đầu tư xã hội hóa du lịch với tổng số gần 2.000 tỷ đồng, các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp, hiện có 5 dự án có giấy chứng nhận đầu tư, 6 dự án đang xin chủ trương đầu tư, 4 dự án đã ký bản ghi nhớ. Toàn tỉnh có 90 cơ sở lưu trú do tư nhân đầu tư với hơn 2.000 phòng, có 38 cơ sở được xếp hạng, với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng.
Cúc Phương