Huyện Lai Vung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
Cập nhật ngày: 03/06/2024 05:30:03
ĐTO - UBND huyện Lai Vung vừa xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện năm 2024, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp - nông thôn, sản phẩm OCOP và tạo dựng hình ảnh địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch và chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch...
Các điểm tham quan quýt hồng Lai Vung thu hút khách trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ, Tết
Trong đó, huyện xác định quýt hồng là sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện nên tập trung duy trì các điểm tham quan hiện có, đồng thời đề xuất có chính sách khuyến khích nhà vườn nghiên cứu trồng rải vụ, kết hợp các vườn trái cây khác như: vườn thanh long, mận, dừa, dâu, chôm chôm, cùng với hoa kiểng, làng nghề, sản phẩm OCOP, các di tích lịch sử - văn hóa... mở cửa đón khách du lịch xuyên suốt các mùa trong năm.
Huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ và làng nghề, làng nghề truyền thống như: Cơ sở đóng xuồng ghe thu nhỏ Bảy Tốt (xã Long Hậu), Cơ sở sản xuất vật dụng bằng tre thu nhỏ Bảy Luyến (xã Long Thắng), nghề đan lờ lọp (xã Hòa Long), nghề đan cần xé (xã Tân Thành), đan bội (xã Hòa Long), nghề làm bánh tráng (xã Tân Phước)... Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, tiện nghi, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch, chế độ thông tin báo cáo của các điểm tham quan vườn cây ăn trái; vận động các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống ưu tiên phục vụ giới thiệu các món ăn chế biến từ nguồn đặc sản của địa phương.
Tập trung định hướng phát triển thêm loại hình phục vụ khách tham quan du lịch trải đều trên khắp địa bàn là một trong những giải pháp của huyện. Trong đó, điều chỉnh, bổ sung quy định tạm thời tiêu chí điểm tham quan vườn cây ăn trái tại Quyết định số 92/QĐ-UBND-HC ngày 21/9/2018 của UBND huyện phù hợp với điều kiện phát triển thực tế hơn; tiếp tục vận động hình thành khu hội tụ làng nghề nhằm tạo môi trường kết nối, giao lưu và lan tỏa làng nghề truyền thống trong huyện. Điều này tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các làng nghề, làng nghề truyền thống đến rộng rãi khách tham quan trong và ngoài huyện.
Huyện cũng tập trung đầu tư, hỗ trợ các di tích, di sản thực hiện các hạng mục cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan, du lịch; duy trì phát huy vai trò của Ban quản lý các di tích trên địa bàn huyện, xã; phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tranh thủ các nguồn hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chống xuống cấp di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh.
Địa phương phối hợp với các sở, ngành tỉnh tập huấn nghiệp vụ đối với chủ cơ sở và nhân viên của các điểm tham quan, du lịch; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm những mô hình hay; từng bước xây dựng đội ngũ làm du lịch năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của địa phương...
Trang Huỳnh