Khởi sắc du lịch Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 29/04/2015 17:01:54
Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được HĐND tỉnh thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 15/1/2015. Đề án được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, đưa vào là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 và giai đoạn 2016-2020. Với sự chuyển động tích cực của đề án, du lịch Đồng Tháp hứa hẹn sẽ có bước phát triển mạnh trong thời gian tới.
Gian hàng của Đồng Tháp tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam năm 2015 (diễn ra từ ngày 3 - 6/3, tại Hà Nội) tạo ấn tượng đẹp với các công ty lữ hành, các đối tượng khách tiềm năng
Thực hiện Đề án phát triển du lịch, tỉnh đã rà soát hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu du lịch trọng điểm để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín; hoàn thiện tuyến giao thông đường bộ từ Thanh Bình đi Vườn Quốc gia Tràm Chim; lập dự án đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ phát triển du lịch như: tuyến nối Gò Tháp với Gáo Giồng, Gáo Giồng nối với Tràm Chim, Gáo Giồng nối với TP.Cao Lãnh, tuyến nối Xẻo Quít - Bình Thạnh - Sa Đéc, tuyến cặp sông Tiền thuộc phường 6 và Tịnh Thới - TP.Cao Lãnh; đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí phù hợp tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm; đưa vào kế hoạch đầu tư năm 2015 gồm 7 dự án (6 dự án nâng cấp hạ tầng các khu điểm du lịch, 1 dự án bảng hướng dẫn) với tổng kinh phí 36 tỷ đồng;...
Trong thời gian qua, các khu du lịch trọng điểm của tỉnh cũng tập trung đầu tư để đẹp hơn, nâng cao chất lượng phục vụ. Khu di tích Gò Tháp (Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ cấp Quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam đã tồn tại hơn 1.500 năm) đã đầu tư thêm các hạng mục công trình như: cải tạo nhà bao che di tích cạnh Miếu Bà Chúa Xứ, hoàn chỉnh các tuyến đường, lối đi bộ, hệ thống cấp nước; xây dựng các chòi nghỉ chân, sân lễ hội đa năng, trồng cây xanh; lập hồ sơ thiết kế và trình duyệt một số công trình như: vườn tượng văn hóa Phù Nam, giếng thần, lập dự án đầu tư giai đoạn 2 - di tích quốc gia đặc biệt, khởi công xây dựng công trình cải tạo Miếu Bà Chúa Xứ; xây dựng mới Đền thờ Thiên Hộ Dương;... Vườn Quốc gia Tràm Chim (khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới, được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước) đã đầu tư hệ thống cây xanh, cất 4 nhà nghỉ chân, chỉnh trang khu vực quầy hàng lưu niệm và dịch vụ giải khát; liên kết đầu tư dịch vụ ăn uống tại 3 điểm: bè nổi, trạm C4, đài quan sát với công suất tối đa khoảng 200 khách/lượt phục vụ; liên kết hộ dân đầu tư 11 chiếc tắc ráng (12 người/chiếc), đơn vị có 6 chiếc xuồng kéo (12-24 người/chiếc), 20 chiếc xuồng bơi trải nghiệm, 6 chiếc đạp vịt,...; liên kết với Huyện đoàn Tam Nông tổ chức dịch vụ ăn uống nhẹ cho khách; mở rộng hệ thống bãi đậu xe, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn;... Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (gồm khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ, ao sen, tái hiện làng Hòa An xưa,...) chỉnh trang các khu vực, nhà trưng bày, bố trí phòng chiếu phim về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác Hồ bên cạnh Đền thờ Cụ Phó bảng, triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc học tập suốt đời, bổ sung hoa kiểng trong khu di tích và làng Hòa An xưa, trồng bông súng nia ở các rạch; tổ chức đờn ca tài tử, chiếu phim, hội thi chọi chim, chọi gà nghệ thật... Khu di tích Xẻo Quít (căn cứ của Tỉnh ủy Đồng Tháp từ năm 1960 đến năm 1975, khu căn cứ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập nước) đã được ghi vốn hơn 5 tỷ đồng để đầu tư một số hạng mục công trình theo Đề án phát triển du lịch của tỉnh. Trong thời gian chuẩn bị các thủ tục, đơn vị đã chủ động dùng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và nguồn thu để đầu tư vào một số hạng mục như nạo vét luồng lạch làm thông thoáng tuyến tham quan đường xuồng, nạo vét kênh vành đai để cải tạo môi trường nước, bảo vệ động thực vật rừng, đảm bảo cho sự đa dạng sinh học; tập trung cải tạo cảnh quan khu vực II như trồng thêm hoa, cỏ, tạo thêm một số tiểu cảnh, trồng thêm nhiều loại bông súng (2 ao bông súng hơn 3.000m2) để bổ sung cho bộ sưu tập bông súng, chỉnh trang trưng bày, triển lãm chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, mở rộng, cải tạo và nâng cấp khu vực chợ quê, khu vực nhà hàng ăn uống. Thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (vùng đất điển hình của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, có cảnh quan tuyệt đẹp, không khí trong lành) đang thiết kế xây dựng mới một số hạng mục nhằm thu hút khách tham quan như: nhà đón tiếp khách, bến xuồng, khu biểu diễn ẩm thực..., chỉnh trang cảnh quang, tạo mảng xanh, đầu tư thêm 15 xe đạp đôi phục vụ; chú trọng nâng chất lượng của đội ngũ nhân viên phục vụ;...
Từ sự đầu tư, tập trung quảng bá, hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc. Trong quí I năm 2015, tổng doanh thu du lịch đạt 61,46 tỷ đồng, tăng 34,42% so với cùng kỳ năm 2014; có trên 786 ngàn lượt khách, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2014.
Thành Nam