Tiềm năng du lịch làng nghề đóng xuồng, ghe tại rạch Bà Đài

Cập nhật ngày: 20/07/2015 11:26:28

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch mang tính cộng đồng, qua đó du khách khi tham gia vào hoạt động du lịch tại các làng nghề, xóm nghề sẽ được trải nghiệm thực tế, sống hòa nhập với cộng đồng, được học, được tự tay sản xuất các sản phẩm thủ công nơi làng nghề với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Hoạt động này sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về cách làm ra sản phẩm nghề, văn hóa của cư dân bản địa, tính cách người dân, giúp họ yêu quý lao động, tôn trọng văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tăng thu nhập cho người dân.


Làng nghề đóng xuồng, ghe tại Long Hậu. Ảnh: Hữu Nghĩa

Ở Đồng Tháp, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, văn hóa gắn liền với văn minh sông nước miệt vườn, hình ảnh chợ nổi với ghe xuồng tấp nập trên sông, những vườn cây ăn trái trĩu quả xum xuê cùng những cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu mang một đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Với sản vật phong phú, thiên nhiên đa dạng nên các nghề và làng nghề thủ công ở Đồng Tháp đã hình thành rất sớm, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của con người về ăn uống, đi lại, nhu cầu tâm linh. Trong đó, phải kể đến nghề đóng ghe xuồng được hình thành và phát triển từ rất sớm với nhiều loại ghe, xuồng khác nhau, tiêu biểu là nghề đóng xuồng ghe tại rạch Bà Đài (thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung) với chiếc xuồng cui Bà Đài gắn liền với tên tuổi của “ông Sáu Xuồng Cui” đã tồn tại hơn 100 năm nay. Trải qua quá trình hình thành và phát triển làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài đã nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm xuồng, ghe khác nhau, từ xuồng cui Bà Đài đến ghe cui Bà Đài, tắc ráng Bà Đài,... Cùng với những sản phẩm làng nghề đặc trưng, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài còn lưu giữ những nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong nghề đóng xuồng, ghe như lễ cúng tổ, lễ ghim lô, lễ hạ thủy, lễ khai tâm điểm nhãn, một số luật lệ khi đi ghe, xuồng,...

Với điều kiện giao thông đường thủy tương đối thuận lợi, rạch Bà Đài ăn thông với sông Lai Vung chảy ra sông Hậu, lại nằm gần tuyến Quốc lộ 80, tỉnh lộ 851 cùng với hệ thống các vườn cây ăn trái, đặc biệt là quýt hồng, tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc khai thác hoạt động du lịch làng nghề theo hướng liên kết điểm, tận dụng tiềm năng về thiên nhiên, sông nước miệt vườn, những người làm công tác du lịch có thể lấy làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài làm điểm nhấn đưa khách đi tham quan các điểm khác trong vùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe, xuồng.

Như vậy, với những đặc điểm cơ bản như trên thì việc đầu tư khai thác du lịch từ làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu là hoàn toàn đúng theo xu thế của thời đại, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, tạo điều kiện cho người dân có thể giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu loại hình kinh doanh mới, đa dạng hóa khai thác tối đa giá trị sản phẩm nghề truyền thống, xây dựng hình ảnh làng đóng xuồng, ghe Bà Đài - Long Hậu trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Bùi Minh Tiến

Vào tháng 4/2015, nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn