Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của Lai Vung
Cập nhật ngày: 26/10/2015 12:18:07
Lai Vung là một trong những huyện nằm ở phía Nam sông Tiền lại tiếp giáp với sông Hậu nên có hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện cho hệ thống giao thông đường thủy phát triển. Thiên nhiên ưu đãi đã mang đến cho Lai Vung những vườn cây ăn trái trĩu quả, những sản phẩm làng nghề truyền thống gắn liền với tự nhiên, trong đó có thể nói đến là nghề trồng quýt hồng, đóng xuồng ghe, đan lờ lọp, đan bội, đan cần xé và nghề làm nem,... với nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi bật như chùa cổ Bửu Hưng (Chùa Cái Cát) - một trong những di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia của tỉnh.
Nhà vườn thu hoạch quýt hồng. Ảnh: Hữu Nghĩa
Quýt hồng và nem Lai Vung được xem là một trong những món ăn đặc trưng của vùng đất này. Khó ai quên được vị chua mà ngọt của quýt hồng, cũng như cái vị chua mà lại cay nồng của nem Lai Vung. Đây là một trong những sản phẩm quan trọng góp phần thu hút khách du lịch đến với Lai Vung. Tuy nổi tiếng với những sản phẩm quýt hồng và nem chua, nhưng hoạt động du lịch của Lai Vung dường như chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, chưa có loại hình du lịch nào nổi bật tạo sức hút để du lịch Lai Vung phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về du lịch của Lai Vung còn ở mức hạn chế. Do vậy, việc định hướng và tìm ra loại hình du lịch phù hợp nhằm khai thác hết tiềm năng du lịch của huyện là một trong những vấn đề nan giải.
Với những tiềm năng hiện có của mình, Lai Vung hoàn toàn có thể khai thác và phát triển du lịch với hình thức du lịch sinh thái cộng đồng (STCĐ) - gắn với các hoạt động làng nghề và vườn cây ăn trái. Theo nhà nghiên cứu Nicole Hausle và Wollfgang Strasdas: “Du lịch STCĐ là một hình thái du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”; theo tổ chức Respondsible Ecological Social Tours: “Du lịch STCĐ là phương thức tổ chức du lịch đề cao về môi trường, văn hóa, xã hội. Du lịch STCĐ do cộng đồng sở hữu và quản lý, vì cộng đồng và cho phép khách du lịch nâng cao nhận thức và học hỏi về cộng đồng, về cuộc sống đời thường của họ”. Du lịch STCĐ là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường, đề cao vai trò làm chủ của cộng đồng, phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, còn đối với khách du lịch, du lịch STCĐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về sinh thái, môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Nó chính là nét tinh túy của du lịch sinh thái và du lịch bền vững. Du lịch STCĐ nhấn mạnh vào cả 3 yếu tố: môi trường, du lịch và cộng đồng.
Do vậy, để phát triển du lịch STCĐ, Lai Vung cần phải có sự liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương, trong đó đặc biệt là cư dân các làng nghề, các nhà vườn,... Đồng thời, nâng cao kiến thức du lịch cho cộng đồng địa phương, giúp họ có thể tự làm du lịch, kiếm nguồn thu từ du lịch trên cơ sở phát triển các sản phẩm nghề xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và đời sống dân sinh, đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, lưu trú nghiên cứu phát triển các sản phẩm làng nghề, tổ chức các tour tuyến, điểm du lịch trải nghiệm - giúp du khách cùng tham gia trải nghiệm một ngày làm vườn, một ngày làm thợ đóng xuồng,... Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết với nhiều công ty lữ hành khác, hướng họ đưa Lai Vung trở thành một điểm trong chương trình du lịch.
Phát triển du lịch STCĐ không những góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh cây quýt hồng, cũng như các đặc sản của huyện mà còn tạo điều kiện cho chính cộng đồng địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm sản xuất, khôi phục một số sản phẩm làng nghề truyền thống khác, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình,...
Bùi Minh Tiến
Theo nhà nghiên cứu Nicole Hausle và Wollfgang Strasdas: “Du lịch STCĐ là một hình thái du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”
|