UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 5 bàn các giải pháp phát triển du lịch
Cập nhật ngày: 04/06/2018 11:16:14
ĐTO - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vừa chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 5, đánh giá tình hình thực hiện Đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Lãnh đạo các sở, ngành đóng góp ý kiến về giải pháp phát triển du lịch
Du lịch có nhiều khởi sắc
Thông tin về kết quả thực hiện Đề án phát triển du lịch thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, du lịch tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc. Du lịch Đồng Tháp đã xác định được vị thế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm theo Đề án đã hoàn thành giai đoạn một và đưa vào khai thác phục vụ du khách.
Cùng với đó, công tác xây dựng sản phẩm du lịch được triển khai thực hiện có hiệu quả các định vị sản phẩm, chủ đề phát triển của từng khu, điểm du lịch; liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước từng bước hình thành. Qua đó, đã kết nối tour, tuyến tham quan và đưa vào chương trình giới thiệu, quảng bá, chào bán các sản phẩm dịch vụ mới gắn với hình ảnh và thương hiệu du lịch “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn Sen”. Năm 2017 hoạt động du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ khoảng 3,3 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 650 tỷ đồng, tăng 33,26% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Đồng Tháp còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch tuy đã được xây dựng, định vị đúng yêu cầu của Đề án nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù chưa rõ nét, còn trùng lắp, chưa phát huy hết hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương; nguồn thu du lịch còn thấp...
Phát triển du lịch theo chiều sâu
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, để du lịch Đồng Tháp phát triển theo chiều sâu và có nét đặc trưng riêng, du lịch cần kết hợp chặt chẽ với nông nghiệp, dựa trên những giá trị khác biệt và nổi trội của nông nghiệp để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù gắn với nông nghiệp sạch và công nghệ cao. Trong đó, các xã vùng ven thành phố hoa Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung, vùng đất cồn, cù lao trồng cây ăn trái, vùng trồng sen và trồng lúa thông minh Tháp Mười... là những khu vực trọng điểm cần thúc đẩy phát triển.
Về vấn đề giữ chân du khách, các đại biểu đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: cần nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và các hoạt động phụ trợ; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú chất lượng cao; xây dựng sản phẩm du lịch tinh thần (văn hoá, nghệ thuật của địa phương), cấu trúc các chương trình nghệ thuật phù hợp với từng sự kiện;...
Với những giải pháp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải tổng hợp, xây dựng kế hoạch về những công việc cụ thể để các sở, ngành cần thực hiện từ nay đến cuối năm 2018 và năm 2019.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra các khu, điểm du lịch để đảm bảo những khu, điểm này hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy định và nâng cao chất lượng phục vụ; không phát triển tràn lan các điểm du lịch cộng đồng. Chủ tịch yêu cầu tăng cường kết nối giữa các khu, điểm du lịch với doanh nghiệp lữ hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch; giải quyết các vướng mắc trong đầu tư dự án về du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng quà tặng để nâng quy mô, tạo mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu du khách...
Thảo Vy