Xẻo Quít - “thủy đạo thép” kiên cường

Cập nhật ngày: 15/11/2016 14:09:43

Lâu nay chỉ nghe nói “Địa đạo” ở Củ Chi (TP.HCM), Vịnh Mốc (Quảng Trị), Kỳ Anh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Gần đây có thêm “Sơn đạo” Tức Dụp ở An Giang. Địa đạo không chỉ là đường mà còn là làng chiến đấu dưới lòng đất. Sơn đạo là hang hốc trong núi được dùng để sinh hoạt và chiến đấu. Còn thủy đạo là làng sinh hoạt, chiến đấu cả trên lẫn dưới mặt nước, chỉ có ở Đồng Tháp.


Lối mòn trong “căn cứ lòng dân”. Ảnh: Chấm Bi

Địa danh Xẻo Quít đặc sệt Nam bộ. Trước năm 2005, khách tham quan Xẻo Quít phải đi ghe từ Mỹ Hiệp chừng 6km. Nay đường mở rộng, xe chạy vào tận nơi thoải mái và nếu thích vẫn có thể đi đường thủy. Xẻo Quít được xem là công viên sinh thái rừng đặc dụng có diện tích 70ha, trong đó 25ha rừng tràm, có cây gần trăm tuổi; là “Căn cứ của lòng dân” cạnh nhiều đồn bót giặc của Tỉnh ủy Kiến Phong (Đồng Tháp ngày nay) từ năm 1960. Sau năm 1975, rạch Xẻo Quít được khơi thông để rửa phèn, nối với các kênh rạch khác.

Xẻo Quít thuộc xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp có huyện và thành phố cùng tên) khoảng 30km. Khu di tích Xẻo Quít có hệ thực vật với 158 loài thân mềm và 12 loài thân gỗ. Nhiều cây thuốc và rau sạch như: sen, súng, rau đắng đất, nam sâm, nhãn lồng, điên điển, phèn đen... Có cả đưng, sậy, năng, lác, lúa ma (lúa trời)... Hệ động vật có 200 loài gồm 7 loài ếch nhái, 22 loài bò sát, 73 loài cá, 91 loài chim và 7 loài thú. Có 13 loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam như cá ét mọi, cá lăng chiên, tắc kè, trăn mốc, rắn hổ mang, rắn hổ trâu, rùa hộp, chim sả mỏ rộng, rái cá... Để khám phá Xẻo Quít nên sử dụng cả đường thủy và đường bộ. Những cô gái Nam bộ đặc trưng áo bà ba, nón lá, e ấp với nụ cười thân thiện các chiến sĩ “Quân giải phóng” với đồng phục xanh, nón tai bèo hướng dẫn du khách tham quan.


Súng nia ở Xẻo Quí. Ảnh: thachtungnguyen

Mỗi phương tiện có thú vị riêng. Đi xuồng ngắm rừng tràm từ trên rạch, khám phá “thủy đạo” chiến đấu với những hầm tránh bom chữ A, hầm chiến đấu chữ Z hay hầm bí mật chữ L... được phục chế trên nền dấu vết xưa. Căn cứ bí mật còn có những những ngôi lán, nhà bếp, phòng hội họp, những hố bom... nguyên vẹn. Dân quân ở đây hồi xưa hễ “Thấy xa là đâm, thấy gần là chém”. Nghe, cứ tưởng chuyện săn thú. Nhưng đó là tổng kết kinh nghiệm chống máy bay trực thăng của địch: Hễ thấy tàu bay từ xa là đâm... đầu chạy thục mạng. Thấy gần thì chém... vè vào trong bùn như mấy loài cua.

Đi đường bộ mới leo lên đài nghinh phong được (thật ra là đài quan sát để ngắm Xẻo Quít từ trên cao), qua đồng đưng thấy bãi ngù tử địa và chống càn. Giữa đồng đưng, các chiến sĩ du kích làm cả bãi ngù lố nhố. Từ máy bay nhìn xuống ngỡ là quân du kích hành quân. Đổ bộ càn thì bị tung xác vì một số cây ngù có gài mìn hoặc lựu đạn. Nhìn cây ngù là lính sợ, chồn chân.

Đi xuồng hay đi bộ du khách đều no mắt thưởng ngoạn; phải mở hết lồng ngực để rửa phổi, hít thở không khí trong lành, dịu nhẹ hương đồng gió nội; phải căng tai lắng nghe thiên nhiên hòa tấu, từ cây cỏ, hoa lá, côn trùng đến chim muông và tiếng chèo khỏa nước hay nhịp bước xuống mịn màng đất. Ta nghe như có tiếng thì thầm rất khẽ của ngàn xưa vọng lại.


Trảng nước, cây si cạnh rừng tràm. Ảnh: Lisanne Didi

Khác với các rừng tràm Nam bộ, rừng tràm Xẻo Quít luôn được phủ kín bởi boòng boong (khác với bòn bon làm dưa) lớp dây leo mềm mại, mượt mà, như các thôn nữ khoác áo choàng xanh lịch lãm mà hoang dại. Xẻo Quít ít thấy bê tông, tường vôi, gạch đá. Các hạng mục đều được phục chế bằng gỗ, tre, tràm, đưng, lá dừa nước, không ít di tích vẫn còn nguyên trạng, như hầm bí mật của Bí thư Tỉnh ủy, được thiết kế, ngụy trang rất tài tình. Năm xưa, nơi đây cứ “Trên cơm, dưới cá, lá (lợp nhà) ngoài đồng”. Phương châm hoạt động của “Căn cứ lòng dân” “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Xẻo Quít chưa có dịch vụ lưu trú nhưng du khách có thể cắm trại qua đêm, tập làm nông dân giăng lưới, mò cua, câu cá, dỡ chà, hái rau, bông súng, bông lục bình... chế biến hàng chục món ngon như: lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng, cá rô đồng kho tộ... với những khúc ca tài tử ngọt ngào, sâu lắng, hoặc học cách đan lục bình khô làm các vật dụng gia đình với mấy cô thôn nữ. Có thể tự bơi (còn gọi là chèo) xuồng (cũng phải học) mình ên hay từng cặp, từng nhóm, luồn lách để khám phá những nét duyên thầm của Xẻo Quít.


Những lối mòn làm xi măng giả cây rất khéo. Ảnh: Kleiniii

Vé của Xẻo Quít hiện chỉ 5.000 đồng/ người, rẻ nhất nước. Tôi đến Xẻo Quít mấy lần, cứ ngẩn ngơ tiếc nuối. Cảnh quan quá đẹp, quá khứ quá tuyệt vời như có thêm nhiều dịch vụ, đơn giản như cái khăn lạnh và chai nước mát nấu từ lá sen, cỏ bắc, tim sen và mấy thứ lá thuốc gọi là nước sâm Xẻo Quít thì hay biết bao. Cần nghiên cứu phục hồi lại những sinh hoạt của “Căn cứ lòng dân” như “Chợ kháng chiến”, “Dạy học” và cả những “Đám cưới chiến khu”. Tôi muốn được ăn lại những món ngon thời chiến như “Bánh bao giai cấp”, “Bánh tét lòng dân”...; thèm được nghe những buổi “Ca kình” của giai thoại “Gặp nhau là ca hát”, con cháu của các “Trai tài, Gái giỏi” năm xưa... không có kiểu âm thanh ồn ào tra tấn.

Tôi mơ được qua đêm ở nhà sàn Nam bộ giữa vàng trăng lênh láng, nghe cỏ cây, hoa lá và cả đất trời, mây gió kể chuyện cổ tích lòng dân, của vùng đất Đồng Tháp nghĩa tình và hiếu khách.

Nguyễn Văn Mỹ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn