Mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” phát huy hiệu quả
Cập nhật ngày: 18/08/2018 14:40:36
ĐTO - Qua 2 năm thực hiện nhân rộng mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, ngoài các xã điểm trên địa bàn tỉnh, các địa phương như: huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh và Tân Hồng được cấp ủy thống nhất, chỉ đạo, triển khai nhân rộng ra toàn huyện, tạo sự lan tỏa đến các chi, tổ hội của địa phương.
Người dân hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn
Trước hết, các cấp ủy, Ban chỉ đạo (BCĐ) xã triển khai thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM” xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng từng hộ gia đình về 10 nội dung mà hộ gia đình trực tiếp thực hiện như: nhà ở, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, tham gia mô hình kinh tế hợp tác... Từng địa phương có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các ban, ngành, cán bộ, đảng viên phụ trách địa bàn, phụ trách lĩnh vực để bước điều tra, khảo sát được chặt chẽ, chu đáo, phản ánh đúng thực tế tình hình địa phương.
Sau đó, cấp ủy, BCĐ xã tiến hành phân tích, đánh giá và xử lý kết quả khảo sát, điều tra tổng hợp bằng các biểu mẫu theo hướng dẫn; phân loại theo từng nhóm gia đình đã đạt và nội dung chưa đạt; phân tích khả năng thực hiện của hộ gia đình để có giải pháp cho từng giai đoạn cụ thể. BCĐ xã tiến hành xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nguồn lực thực hiện, thời gian hoàn thành, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, tổ chức và cá nhân theo dõi địa bàn, phụ trách nội dung, phụ trách lĩnh vực và báo cáo kịp thời cho BCĐ.
Căn cứ kế hoạch phân công của BCĐ, MTTQ và các tổ chức CT-XH xây dựng kế hoạch, chủ động đăng ký đảm nhận thực hiện từ 2 - 3 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Công tác triển khai thực hiện phương thức “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” MTTQ và các tổ chức CT-XH đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, phát sổ tay để các hộ gia đình tự nguyện đăng ký thực hiện, bước đầu đạt kết quả. Trước hết, tập trung tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình cam kết thực hiện; đưa nội dung xây dựng NTM vào các buổi sinh hoạt, họp lệ định kỳ để tuyên truyền, quán triệt trong đoàn viên, hội viên. MTTQ và các tổ chức CT-XH còn tranh thủ các nguồn xã hội hóa để giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, người già neo đơn, các công trình, dự án góp phần thực hiện đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Thông qua thực hiện mô hình, ngoài nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho các xã xây dựng công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ dân sinh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động trên 422.060 tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu, đường nông thôn góp phần xây dựng đạt chuẩn về tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung, công việc do hộ gia đình trực tiếp thực hiện, cụ thể như: tuyên truyền, vận động người dân treo, thờ ảnh Bác, làm cột cờ, xây dựng hàng rào, cổng ngõ, chỉnh trang đường từ ngõ vào nhà (đạt 96%), nhiều địa phương vận động người dân trồng hoa, kiểng trong khuôn viên nhà ở và các tuyến đường giao thông tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp. Vận động người dân đăng ký sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (đạt 95,9%); vận động 82,8% hộ gia đình đăng ký xóa nhà tạm, xây nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhiều địa phương đã đào tạo, tập huấn nghề cho 108.111 lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định góp phần hoàn thành tiêu chí về việc làm.
Mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM” góp phần vận động hộ gia đình ký cam kết an toàn về an ninh trật tự, không có người tham gia các tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Thực tiễn của địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, góp phần duy trì và giữ vững trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tiêu biểu như: diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến của nhân dân”, mô hình “Khu dân cư an toàn phòng, chống cháy nổ”, “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật”, “Tổ cảm hóa, giáo dục người vi phạm”, “Tổ xe honda khách phòng, chống tội phạm”, “Tổ cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật”, “Chia nhỏ địa bàn tuần tra bảo đảm an ninh trật tự ở khóm, ấp”,... Đặc biệt, qua thực hiện mô hình đã có 95,9% hộ gia đình cam kết thực hiện.
Nhìn chung, qua thực mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM”, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức về mục đích, ý nghĩa và vai trò, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng NTM ở địa phương. Đồng thời đưa mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng NTM vào trong chương trình, kế hoạch thực hiện của cấp ủy, chính quyền; quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Thông qua mô hình, hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT-XH ở cơ sở từng bước được nâng lên. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, nhiều phong trào đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên; nhiều gia đình có tất cả thành viên đều tham gia sinh hoạt đoàn thể.
Thông qua thực hiện mô hình, ngoài nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho các xã xây dựng công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ dân sinh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động trên 422.060 tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu, đường nông thôn góp phần xây dựng đạt chuẩn về tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội.
|
DŨNG CHINH