Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động

Cập nhật ngày: 10/08/2018 09:17:27

ĐTO - Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng ngừa các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trong toàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở; tăng cường thông tin tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ.


Người lao động chưa có thói quen sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNLĐ, làm chết 4 người, bị thương 2 người, ước thiệt hại gần 800 triệu đồng. Nguyên nhân do người sử dụng lao động (LĐ) không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Không huấn luyện an toàn cho người LĐ, thiết bị không đảm bảo an toàn LĐ, người LĐ vi phạm các quy trình, nội quy ATLĐ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân... Các trường hợp bị TNLĐ được Ban chỉ đạo ATVSLĐ tỉnh, doanh nghiệp thăm, tặng quà động viên tinh thần.

Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp, công ty lớn tuân thủ tốt các quy định về ATVSLĐ, các cơ sở, dịch vụ nhỏ, lẻ tự phát, người sử dụng LĐ và người LĐ vẫn rất chủ quan với việc đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

Ông Cao Minh S. ngụ khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh làm nghề nhôm, kính cho biết: “Tôi làm nghề cắt kính này cũng hơn 20 năm, chủ yếu các công đoạn làm bằng tay, chỉ cần sơ sẩy chút là gặp nguy hiểm, nhưng nếu sử dụng bảo hộ cũng khó làm việc. Dân trong nghề thường nhắc nhau cẩn thận thôi, chứ nếu dùng máy móc chuyên dụng cũng khó, vì cơ sở nhỏ...”. Hơn 11 năm làm nghề kính, nhôm, anh Nguyễn Tấn T. ngụ đường 30/4, phường 1, TP.Cao Lãnh cho biết: “Không chỉ cắt, ráp kính, người làm công còn chở kính đi ráp công trình nhỏ, nếu không may trượt tay làm rớt kính xuống đứt chân, tay là chuyện bình thường...”.

Đối với các cơ sở hàn sắt, đa phần người sử dụng que hàn, không mang mặt nạ bảo hộ, không đeo kính, không mang khẩu trang, với lý do không quen, vướng víu khó làm.

Từ thực trạng trên, để tác động đến doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người LĐ về ATVSLĐ, Ban chỉ đạo ATVSLĐ cấp tỉnh tăng cường công tác truyền thông từ cấp tỉnh, cơ sở đề cập đến các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện LĐ, phòng ngừa tai nạn. Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh tổ chức lễ phát động ATVSLĐ gắn với phòng cháy, chữa cháy. Các địa phương cũng tổ chức lễ phát động, phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng lễ phát động ATVSLĐ. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các ngành liên quan thanh tra hơn 10 doanh nghiệp, 5 cơ sở có sử dụng máy, thiết bị, những trường hợp vi phạm được ghi nhận, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Sở Công thương phối hợp cùng địa phương kiểm tra ATVSLĐ tại các cơ sở kinh doanh gas.

Các huyện, thị xã, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ kiểm tra gần 700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Sở LĐ – TB&XH tổ chức 6 lớp huấn luyện, hướng dẫn gần 400 người sử dụng LĐ, cán bộ quản lý, người LĐ làm những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Doanh nghiệp cũng tổ chức huấn luyện định kỳ cho gần 2.700 lượt người LĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 9.000 LĐ.

Tình hình TNLĐ tiềm ẩn nguy cơ từ ý thức chủ quan của người sử dụng LĐ, người LĐ. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến công tác đảm bảo an toàn cho người LĐ, công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức; hoạt động thanh, kiểm tra đa phần nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp, chưa chú trọng công tác xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Đảm bảo ATVSLĐ, Ban chỉ đạo ATVSLĐ cấp tỉnh, huyện, thị xã tiếp tục các đợt thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm pháp luật nhiều lần. Triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ từ Quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp đến các đơn vị, doanh nghiệp.  

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn