Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hành chính

Cập nhật ngày: 10/08/2018 16:09:38

ĐTO - Ngày 8/8, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo chuyên đề bằng hình thức trực tuyến với các huyện, thị, thành về những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong giải quyết án hành chính. Tại hội thảo, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc sẽ từng bước được tháo gỡ trong thời gian tới.


Quang cảnh buổi hội thảo tại điểm cầu cấp tỉnh

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng có tính khả thi, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, tôn trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật TTHC còn tạo điều kiện cho người khởi kiện tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện tại Tòa án (trước đây người khởi kiện bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND trước khi khởi kiện ra Tòa án).

Trường hợp mà đương sự đã lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với kết quả đó thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Khi thực hiện các quy định Luật TTHC, các cơ quan hành chính nhà nước là người bị kiện đa số đều hợp tác tốt và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhờ vậy, nhiều quyết định hành chính bị khởi kiện sau khi đối thoại, cơ quan hành chính nhà nước đã thu hồi, hủy bỏ để đảm bảo quyền lợi cho người khởi kiện.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Tháp, thực tế hơn 2 năm thực hiện Luật TTHC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hành chính, bởi vì đặc thù của án hành chính là một loại án mới, khó và bao trùm tất cả các lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước nên việc giải quyết án hành chính cũng đòi hỏi các Thẩm phán phải có kiến thức sâu rộng ở tất cả các ngành, lĩnh vực của quản lý nhà nước. Trong khi trên thực tế các Thẩm phán lại không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Do đó, quá trình giải quyết án hành chính vẫn còn lúng túng. Mặt khác, do là loại án khó nên từ khâu nhận đơn phải xem xét các điều kiện để thụ lý, mất nhiều thời gian để thu thập chứng cứ, làm rõ yêu cầu của đương sự.

Cũng có ý kiến tại hội thảo cho rằng, các Thẩm phán giải quyết án hành chính có tâm lý e dè và ngại giải quyết án hành chính do người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người đứng đầu trong các cơ quan hành chính ở địa phương. Thời hạn để người bị kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 128 Luật TTHC là 10 ngày và được gia hạn thêm 7 ngày, trên thực tế quy định này là quá ngắn làm cho người bị kiện không đủ thời gian để thực hiện đúng pháp luật.

Một ý kiến khác, khi có vụ án bị khởi kiện đến Tòa án thì việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn do việc lưu trữ bị thất lạc dẫn đến tình trạng cung cấp tài liệu chứng cứ không đầy đủ. Mặt khác, khi thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hay giải quyết khiếu nại của người dân, UBND các cấp chưa thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các trình tự thủ tục mà Luật khiếu nại hay các Nghị định của Chính phủ quy định, dẫn đến khi người dân khiếu kiện thì các tài liệu chứng cứ cung cấp có thiếu sót mà không thể khắc phục được.

Theo ông Nguyễn Thành Thơ – Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp, Điều 20 Luật TTHC quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này”. Đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết án hành chính; vì trong đối thoại các bên có thể tiếp xúc trao đổi, thương lượng, nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và từ đó người khởi kiện có thể rút yêu cầu khởi kiện hoặc người bị kiện có thể sửa đổi, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính hay đưa ra biện pháp giải quyết nào đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của đôi bên.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Thơ, trong vụ án hành chính việc đối thoại thường xuyên phải hoãn do việc xin vắng mặt của người bị kiện, điều này dẫn đến việc Tòa án không thể đối thoại được theo quy định. Hay quy định cho đương sự được tiếp cận các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác nộp cho Tòa án thì đại đa số người bị kiện ít khi thực hiện quyền này do chưa hiểu đúng quy định của pháp luật nên khi đối thoại người bị kiện chưa giải trình được hết các yêu cầu của người khởi kiện. Đặc biệt, một số UBND khi tham gia tố tụng tại Tòa án còn chưa hiểu rõ khi nào thì UBND là cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và khi nào là đương sự trong vụ án hành chính, từ đó dẫn đến tình trạng chưa thật sự phối hợp kịp thời và có hiệu quả của UBND trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc giải quyết các vụ án hành chính phải dựa vào các căn cứ của Luật TTHC và một trong những nguyên tắc cơ bản là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. UBND cấp huyện tăng cường tham gia đối thoại trong các vụ án hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân gặp gỡ trao đổi, đề đạt nguyện vọng của mình đến lãnh đạo UBND; việc có mặt của UBND huyện góp phần cho phiên đối thoại được tốt hơn, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền tranh tụng trong giải quyết án hành chính. UBND các cấp nghiên cứu bố trí một đầu mối để xử lý thông tin hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ khi có thông báo thụ lý vụ án của Tòa án. Quan tâm xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và TAND tỉnh trong giải quyết các vụ án hành chính nhằm để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này với nhau, tạo sự đồng thuận trong khuôn khổ quy định của pháp luật để giải quyết nhanh gọn, triệt để các vụ án hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 gồm có 23 chương 372 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều và bổ sung 111 điều mới. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh. Từ đó, dẫn đến tình trạng việc thụ lý án hành chính ở Tòa án nhân dân tỉnh gia tăng. Tính từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/7/2016) đến ngày 30/9/2017, Tòa án tỉnh đã thụ lý 114 vụ, so với năm 2015 tăng 36 vụ. Các vụ án hành chính chủ yếu liên quan đến khiếu kiện các quyết định hành chính về quản lý đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu kiện về quyết định cưỡng chế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn