Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển ngành lúa gạo theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 26/12/2023 14:38:34

ĐTO - Xác định lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng quan trọng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng nhiều giải pháp sản xuất lúa theo hướng hiện đại, từng bước đưa chuỗi sản xuất lúa gạo phát triển theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Năm 2023 được xem là một năm có nhiều thuận lợi đối với ngành lúa gạo tỉnh nhà khi giá trị sản xuất có sự tăng trưởng mạnh so với nhiều năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo năm 2023 của tỉnh ước đạt 16.131 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 866 tỷ đồng) và bằng 102,2% kế hoạch năm 2023. Giá trị sản xuất ngành hàng lúa tăng do diện tích sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao và nếp. 

Song song đó, tỉnh rất quan tâm phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị, có cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu và nội địa. Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 81.725ha lúa đã được cấp mã số vùng trồng (518 mã số vùng trồng). Bên cạnh đó, tổng diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP của tỉnh cũng không ngừng tăng lên. Theo đó, trong năm 2023 diện tích lúa được chứng nhận ATTP là 6.556ha; diện tích được chứng nhận VietGAP là 4.057ha.


Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Tỉnh Đồng Tháp cũng quan tâm triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa tuần hoàn, giảm phát thải, sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nông dân như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL (phối hợp Công ty Vinaseed); thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL …

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, tư duy sản xuất của nông dân từng bước được nâng lên. Người nông dân ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng sản xuất đảm bảo ATTP, từng bước hướng đến sản xuất ngành hàng lúa gạo theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, phát triển bền vững chuỗi ngành hàng lúa gạo…

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn