Ngành hàng Xoài phát huy vai trò chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 25/12/2023 14:46:40

ĐTO - Sau gần 9 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng xoài của tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy vai trò là ngành hàng chủ lực. Người dân địa phương đã có sự thay đổi nhận thức về phát triển ngành hàng xoài, chú trọng chất lượng, thương hiệu…

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Với diện tích 14.399ha (sản lượng gần 140.000 tấn/năm), xoài hiện chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với các giống xoài chủ lực như: cát Chu, cát Hòa Lộc, tượng da xanh...

Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cao của các thị trường mục tiêu, khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sản xuất, phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ; đã có 296 vùng được cấp mã số, với 8.228ha.

Nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm (năm 2019), từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử..., xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...


Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) hiệu quả với mô hình “Cây xoài nhà tôi”

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất của tỉnh, nông dân, hợp tác xã trên địa bàn đang dần thay đổi tư duy sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng và đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu “Xoài Cao Lãnh”, với nhiều mô hình như: mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại Hợp tác xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), mô hình sản xuất xoài hữu cơ của ông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), mô hình ủ phân hữu cơ tưới xoài của Tâm Quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)...

Ngoài sản phẩm tươi, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh đẩy mạnh khâu chế biến xoài, nhiều nhất là xoài sấy dẻo, kế đến là rượu xoài, kem xoài, bánh phồng xoài...

Để phát triển xoài theo hướng bền vững, tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ về cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài. Đồng thời, tổ chức các lễ hội xoài định kỳ hàng năm nhằm xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đến với Đồng Tháp.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn